Thứ Năm, 06/02/2025 16:44 CH
Sự cố tôm hùm nuôi bị chết ở Sông Cầu:
Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ khách hàng vay
Thứ Bảy, 01/07/2017 08:13 SA

Sự cố tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn TX Sông Cầu diễn ra cách đây hơn 1 tháng. Từ đó đến nay, ngành Ngân hàng Phú Yên đã tích cực vào cuộc rà soát, thống kê số lượng khách hàng vay vốn bị thiệt hại để hỗ trợ người nuôi tôm khắc phục khó khăn. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, cho biết:

 

Ông Nguyễn Văn Hàn - Ảnh: LÊ HẢO

Sau khi xảy ra sự cố tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt tại phường Xuân Yên và xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) rà soát, báo cáo tình hình cho vay nuôi tôm hùm bị thiệt hại và hướng xử lý. Ngày 8/6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các phương án xử lý nợ, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại có dư nợ bị thiệt hại nhanh chóng hỗ trợ khách hàng theo thẩm quyền. Mới đây, ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tiếp tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình và giải pháp đã xử lý liên quan đến số khách hàng vay vốn để nuôi tôm hùm nhưng tôm bị chết hàng loạt thời gian vừa qua.

 

* Như vậy đến nay, việc thống kê, rà soát số lượng khách hàng bị thiệt hại đã có kết quả chưa, thưa ông?

 

- Hiện trên địa bàn TX Sông Cầu có chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng: NN-PTNT (Agribank), CSXH, Công thương (VietinBank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kiên Long (Kienlong Bank). Qua thống kê, các đơn vị này cho biết đã cho hơn 2.800 khách hàng vay vốn nuôi tôm hùm với tổng dư nợ gần 266,4 tỉ đồng. Trong số này có 524 khách hàng bị thiệt hại với dư nợ hơn 55 tỉ đồng. Nhiều nhất là khách hàng của Ngân hàng CSXH với 236 hộ, dư nợ gần 6,6 tỉ đồng; tiếp đến là khách hàng của Agribank với 189 hộ, dư nợ hơn 27 tỉ đồng; khách hàng của VietinBank là 48 hộ với dư nợ hơn 9,8 tỉ đồng...

 

* Sau khi rà soát, trong thẩm quyền của mình, các ngân hàng có thể làm gì để hỗ trợ người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu khắc phục khó khăn?

 

- Đối với khách hàng nuôi tôm thiệt hại thấp, không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tài chính, các ngân hàng thực hiện các biện pháp đôn đốc để thu hồi nợ vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm một phần lãi vay; khi khách hàng đến hạn thanh toán thì ưu tiên thu gốc trước, lãi sau. Còn đối với khách hàng không có khả năng thanh toán, ngân hàng có thể gia hạn 1 chu kỳ vay và không chuyển nhóm nợ; đồng thời xem xét cho vay mới để người dân có điều kiện tiếp tục sản xuất, trả nợ vay ngân hàng. Riêng đối với nợ vay thuộc Ngân hàng CSXH, ngân hàng này đang phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, xác minh thiệt hại của từng hộ dân, sau đó lập đầy đủ hồ sơ để trình cấp thẩm quyền xem xét, xử lý nợ theo quy định.

 

Đến nay, đối với khách hàng đến hạn trả lãi/gốc, Agribank đã cơ cấu nợ và giảm lãi vay cho khách hàng với dư nợ 450 triệu đồng, còn Sacombank cho vay mới với dư nợ 100 triệu đồng. Số khách hàng còn lại vẫn chưa đến hạn trả nợ.

 

Ngành Ngân hàng Phú Yên đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng vay vốn nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Trong ảnh: Tôm chết hàng loạt tại xã Xuân Phương, TX Sông Cầu - Ảnh: ANH NGỌC

 

* Mặc dù ngành Ngân hàng có nhiều giải pháp nhưng việc hỗ trợ cũng như quá trình xử lý dư nợ đối với khách hàng vay vốn nuôi tôm hùm bị thiệt hại vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hỗ trợ cũng như quá trình xử lý dư nợ đối với khách hàng vay vốn nuôi tôm hùm bị thiệt hại vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Về phía các ngân hàng, hiện nay, đa số khách hàng còn chưa đến hạn trả lãi/gốc nên các ngân hàng chủ yếu tiến hành cơ cấu các khoản nợ đến hạn. Để có thể trình hội sở các cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực nuôi tôm hùm bị thiệt hại, các ngân hàng thương mại cần có biên bản xác nhận số lượng tôm hùm bị thiệt hại của mỗi khách hàng; nhưng địa phương chưa xác nhận được điều này. Hiện các cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc xác định chính xác số lượng tôm hùm bị thiệt hại vì tôm hùm chết phải nhanh chóng được xử lý, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tránh lây lan rộng sang các lồng, bè nuôi khác.

 

Về phía hộ nuôi tôm, mặc dù người dân có nhu cầu được Chính phủ cho khoanh nợ và tiếp tục vay mới để ổn định cuộc sống, tái đầu tư, tuy nhiên, nếu môi trường nuôi chưa được kiểm soát và quản lý đúng quy trình, quy hoạch sẽ tiếp tục dẫn đến rủi ro.

 

Người dân TX Sông Cầu chuẩn bị lồng để thả nuôi vụ tôm hùm mới - Ảnh: LÊ HẢO

 

* Vậy, ngành Ngân hàng Phú Yên có đề xuất, kiến nghị gì để quá trình xử lý nợ được diễn ra nhanh hơn?

 

- Trước hết, chính quyền sở tại cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, hội đoàn thể phối hợp với các ngân hàng xác nhận chính xác tình trạng thiệt hại của các hộ nuôi tôm hùm có vay vốn bị thiệt hại. Về lâu dài, địa phương cần kiểm soát và quản lý hiệu quả môi trường vùng nuôi cũng như quy trình nuôi trồng… để hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ dân khi tái đầu tư.

 

Do thiệt hại lần này quá lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân và vùng nuôi tôm hùm của địa phương, UBND tỉnh cần báo cáo Thủ tướng để xem xét và có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek