Trong các chính sách dành cho vùng miền núi, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, Nhà nước luôn dành một phần kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý cấp xã. Tuy nhiên hiện nay, kinh phí cho công tác này rất hạn chế.
Ý nghĩa lớn
Ông Nguyễn Văn Reo, cán bộ phụ trách xây dựng địa chính UBND xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), cho biết: Sau khi được giao phụ trách các công trình hạ tầng cơ sở do UBND xã làm chủ đầu tư, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được tiếp xúc thực tế để nâng cao những kiến thức chuyên ngành xây dựng đã học; lo vì trình độ còn hạn chế, nếu gặp sự cố khiến hiệu quả công trình thấp thì có lỗi với dân, với Nhà nước. Nhưng theo thời gian, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ huyện, tôi đã dần tự mình lập được dự toán công trình, chọn đơn vị thi công, duyệt thiết kế mẫu… Từ năm 2011 đến nay, xã Đa Lộc làm chủ đầu tư 8 công trình, gồm 6 công trình giao thông, 1 trường học, 1 nhà văn hóa. Trong đó, 5 công trình đã đi vào sử dụng phát huy hiệu quả, còn 3 công trình đang thi công.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), nhờ được huyện tập huấn chuyên môn cho cán bộ xã nên từ năm 2014 đến nay, xã đã có thể tự làm chủ đầu tư 11 công trình với tổng vốn hơn 4,6 tỉ đồng. Đơn vị cũng thực hiện thành công các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; giúp hơn 150 hộ có bò, có các loại giống cây để trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, xã xây dựng thí điểm mô hình trồng cỏ nuôi bò và cây lúa lai; đưa kỹ thuật canh tác mới, giống mới và phương thức chăn nuôi tự túc về cho đồng bào.
Chưa đủ trình độ làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, nhưng việc được tham gia giám sát và hướng dẫn quản lý công trình sau xây dựng cũng giúp từng bước nâng cao trình độ cán bộ xã. Ông La Thanh Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho biết: Không được trực tiếp làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản nhưng cán bộ xã Sơn Phước được tham gia giám sát suốt quá trình thi công nên được cọ sát để tích lũy kinh nghiệm. Khi được giao khai thác sử dụng các công trình này, cán bộ xã biết tự sửa chữa, bảo quản trang thiết bị để phát huy tối đa công năng sử dụng… Nhờ đó, các công trình trên địa bàn xã đã phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2012-2016, với kinh phí gần 1 tỉ đồng, đơn vị đã tổ chức 16 lớp đào tạo cho 431 lượt cán bộ cơ sở và 725 lượt người dân vùng miền núi. Trong đó, 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân tổ chức 6 lớp về kiến thức quản lý dự án, lập kế hoạch, giám sát đầu tư, thanh quyết toán vốn dự án, quản lý sử dụng công trình sau đầu tư. Tại 10 xã đặc biệt khó khăn, 10 lớp tập huấn đã được mở để nâng cao kiến thức cộng đồng về phát triển kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…
Cần được đầu tư thêm
Cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo gặp khó khăn khi kinh phí đào tạo không đủ để trang trải trong thời gian theo học. Nhiều cán bộ xã phản ánh, mỗi lần đến huyện tham gia lớp đào tạo, cán bộ ở các xã Cà Lúi, Phước Tân (huyện Sơn Hòa), Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), Sông Hinh, Ea Ly (huyện Sông Hinh)… phải đi xa vài chục kilomet. Nhưng sau buổi tập huấn, mỗi cán bộ chỉ được hỗ trợ từ 20.000-50.000 đồng, không đủ chi phí dọc đường, nói gì đến các chi phí phát sinh khác…
Theo Ban Dân tộc tỉnh, kinh phí dành cho công tác này rất hạn chế và nhiều chính sách không có danh mục đào tạo cán bộ cấp xã. Cụ thể, trong nhiều chương trình hỗ trợ vùng miền núi, chỉ có xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135… có phần kinh phí đào tạo, nhưng lại rất ít, chiếm chưa tới 1% tổng vốn chương trình. Các chương trình 30a, định canh định cư, nước sạch vệ sinh môi trường… thì không được hỗ trợ tập huấn. |
Hơn nữa, kinh phí để cán bộ xã truyền đạt những kiến thức đã tập huấn đến đông đảo người dân còn ít hơn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, điều này ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia và nhân rộng mô hình. Tại xã, để đảm bảo tính hiệu quả của mô hình nuôi bò sinh sản, năm 2014 xã tổ chức 1 lớp tập huấn với 56 người tham gia.
Mặc dù kinh phí ít, chỉ 1,9 triệu đồng nhưng nhờ đó mà nhiều người được học hỏi tiếp cận và mô hình này đến nay vẫn phát triển tốt. Cũng năm đó, xã trình diễn mô hình trồng cỏ nuôi bò trên diện tích 4,6ha. Toàn bộ kinh phí được đầu tư cho mô hình mà không triển khai bồi dưỡng đào tạo; nên sau trình diễn mô hình không được nhân rộng.
Theo UBND tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xã đóng vai trò quan trọng đến tiến độ chất lượng thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi. Nâng cao năng lực không chỉ là mở lớp tập huấn mà còn phải tạo điều kiện để cán bộ xã được tham gia vào các dự án, các công trình và tùy theo năng lực để tham gia vào khâu nào, giữ vị trí nào trong dự án đó. Khi cán bộ xã được nâng cao năng lực thì nhận thức của cộng đồng mới được nâng cao. Ngoài việc các địa phương tìm mọi cách hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, UBND tỉnh sẽ đề xuất lên Trung ương để tăng nguồn vốn hỗ trợ cho công tác này.
MINH DUYÊN