Mất an toàn thực phẩm không chỉ khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu mà còn làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Đó là đánh giá của Nhóm Công tác nông nghiệp thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017.
Cần một cơ quan an toàn thực phẩm tập trung
Việt Nam là một trong năm quốc gia hàng đầu xuất khẩu đa dạng các sản phẩm nông sản trên thế giới, do đó Việt Nam định hướng phát triển hiệu quả các mặt hàng nông sản. Ngành Nông nghiệp đòi hỏi cần có những thay đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu: sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường quốc tế, bởi Việt Nam là một trong các quốc gia có chi phí nhập khẩu và xuất khẩu đắt đỏ nhất.
Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các phương thức canh tác nông nghiệp hiện tại ảnh hưởng tới khí hậu và nguồn nông nghiệp, vốn sẽ gây tác động trở lại tới nền kinh tế.
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2017 khoảng 30 tỉ USD. Nhóm Công tác nông nghiệp thuộc VBF giữa kỳ 2017 cho rằng, con số này thậm chí có thể sẽ cao hơn nếu các vấn đề như danh tiếng về an toàn thực phẩm của Việt Nam được giải quyết.
Theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Tomaso Andreatta, một cơ quan an toàn thực phẩm tập trung, đánh giá dựa trên rủi ro, thực thi pháp luật nghiêm ngặt hơn và mạng lưới phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế có thể giúp xử lí hầu hết các vấn đề này, từ đó cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển một chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững để duy trì - hoặc cải thiện - vị thế của mình với tư cách là một nước sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp.
Chuyển hóa chiến lược từ an ninh lương thực sang an toàn thực phẩm
Đặc biệt, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Nhóm Công tác nông nghiệp thuộc VBF giữa kỳ 2017 khuyến nghị: Việt Nam cần chuyển hóa chiến lược từ an ninh lương thực sang an toàn thực phẩm.
Để đạt được mục tiêu đó, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, Việt Nam nên tập trung hơn nữa vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, bằng các biện pháp đa dạng nhằm xây dựng một ngành thực phẩm minh bạch và có thể truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Điều đó cũng giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn từ phía người tiêu dùng.
Tất cả điều này sẽ giúp nâng cao quy mô, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và vị thế của người nông dân, đồng thời giảm lượng khí thải carbon.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến an toàn thực phẩm ở Việt Nam là một vấn đề nhức nhối, theo nhóm nghiên cứu, là do chất lượng phòng thí nghiệm - xét nghiệm chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Việc chỉ có một số ít phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện các xét nghiệm đạt chuẩn để có giấy phép gây ra nhiều vấn đề an toàn thực phẩm. Các phòng thí nghiệm ở châu Âu tốt hơn, có phương thức kiểm tra thích hợp hơn và chi phí thấp hơn hầu hết các phòng thí nghiệm ở Việt Nam, đặc biệt là các phòng thí nghiệm được chỉ định dựa trên Luật An toàn thực phẩm.
Quan điểm của nhóm nghiên cứu là cần nâng cao hiệu quả của các phòng thí nghiệm ở Việt Nam, thu hẹp khoảng cách với các phòng thí nghiệm ở châu Âu và từ đó nâng cao các tiêu chuẩn địa phương.
Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất: Việt Nam cần tự do hóa thị trường cho các phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng tổng thể (để các phòng thí nghiệm được công nhận đều có thể làm tất cả các loại xét nghiệm). Đồng thời phải nâng cao chất lượng phòng thí nghiệm - xét nghiệm để giảm thiểu các vấn đề an toàn thực phẩm (xuất khẩu và ở Việt Nam) và xây dựng kế hoạch triển khai; và đồng bộ hóa các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia.
Hơn nữa, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, ngay cả khi chất lượng phòng thí nghiệm và kiểm tra được cải thiện, người nông dân/nhà sản xuất đôi khi không nhận thức được về an toàn thực phẩm và họ đã vô tình gây ra các vấn đề an toàn thực phẩm như thế nào. Nhiều khi người nông dân sử dụng sai sản phẩm, sử dụng sai thời điểm, hay không biết rằng sản phẩm không phù hợp vì nhãn mác không rõ ràng hoặc không chính xác; hay sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn.
Vấn đề dư lượng trong sản phẩm nông nghiệp có thể khiến các nước nhập khẩu từ chối lô hàng và đưa ra cảnh báo đối với nước xuất khẩu. Do đó, Việt Nam cần hài hòa các quy định trong nước với quy định tại các nước nhập khẩu dựa trên đánh giá rủi ro và nhà sản xuất, đại lý, cơ quan Nhà nước, công ty thuốc bảo vệ thực vật và nông dân phải hiểu biết về cách đánh giá này.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham |
Theo VOV