Thứ Năm, 31/10/2024 02:17 SA
Bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở vùng miền núi: Cần được quan tâm
Thứ Bảy, 17/06/2017 13:00 CH

Công trình cầu tràn tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa hoàn thành năm 2015 từ nguồn vốn Chương trình 135. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Sơn Hòa kiểm tra công trình - Ảnh: MINH DUYÊN

Xây dựng công trình hạ tầng vùng miền núi đã khó, để các công trình đó phát huy hiệu quả trong một thời gian dài còn khó hơn bởi nguồn kinh phí cho hoạt động nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng rất hạn chế.

 

Nâng cao hiệu quả công trình

 

Công trình nước sinh hoạt thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) được đưa vào sử dụng từ năm 2007 từ nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, công trình này vẫn hoạt động tốt và cung cấp nước cho 120 hộ dân trong thôn. Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, cho biết: Sở dĩ công trình này còn hiệu quả bởi nó được cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng. Công trình được cấp 27 triệu đồng để UBND xã sửa đường ống và thay đầu bơm.

 

Cũng trên địa bàn xã Sơn Phước, công trình nước sinh hoạt buôn Ma Gú được xây dựng từ năm 2009, cung cấp nước sinh hoạt cho 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn, đến nay đã không còn hoạt động. Cũng theo ông Vinh, nguyên nhân khiến công trình này không hoạt động vì trong quá trình vận hành xảy ra hư hỏng nhưng xã không có kinh phí bảo dưỡng để sửa chữa nên đành để đó. “Để sửa chữa công trình này, xã Sơn Phước cần gần 20 triệu đồng”, ông Vinh nói.

 

Nhà rông văn hóa thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) đã xây dựng hơn 15 năm nay. Mưa gió, thời gian khiến các hạng mục công trình xuống cấp, tưởng chừng như phải bỏ hoang nhưng nhờ được kịp thời nâng cấp sửa chữa nên hiện nhà văn hóa thôn khang trang hơn, trở thành nơi giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào ở thôn. Theo Mang Hiếu, người uy tín của thôn Kỳ Đu, trước kia trong nhà văn hóa tường vôi mốc, ẩm do mưa bão, hệ thống điện theo đó cũng hư hỏng. Những lúc sinh hoạt thôn, bà con phải ngồi ngoài sân chứ không dám vô trong. Giờ thì khác rồi, tường vôi sơn sửa đẹp đẽ, điện nước đã được phục hồi, hàng rào, sân, cổng được xây thêm; mọi sinh hoạt chung của đồng bào như múa hát lễ hội, họp hành đều được tổ chức trong nhà văn hóa.

 

Các công trình đường giao thông ở vùng miền núi cũng nhờ nguồn vốn duy tu bảo dưỡng nên được nâng cấp, bảo đảm việc đi lại của người dân trong mọi điều kiện thời tiết. Ông Phạm Thế Vụ, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), cho biết: Từ năm 2013 đến nay, 4 tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn xã trong quá trình sử dụng đã bị sạt, trũng lõm một số đoạn tạo nên ổ voi, ổ gà gây mất an toàn cho người dân khi đi lại. Nhờ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng 93 triệu đồng nên chính quyền xã đã kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi trên đường.

 

Còn trên địa bàn huyện Sông Hinh, 5 năm qua, nguồn vốn này đã giúp kéo dài tuổi thọ các công trình sau xây dựng. Theo ông Ksor Y Tin, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, nếu không có nguồn vốn 2,4 tỉ đồng thì địa phương không có kinh phí để nâng cấp 1 công trình giao thông nông thôn tại buôn Gao, xã Ea Lâm và sửa chữa 4 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã Đức Bình Đông, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Ly. Các công trình này khi ấy có thể phải bỏ không, không phát huy hiệu quả tới ngày hôm nay.

 

Kinh phí hạn hẹp

 

Các công trình không phát huy hiệu quả đồng nghĩa với nguồn vốn xây dựng ban đầu cũng mất; vì vậy đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ và tăng hiệu quả công trình. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho hoạt động này rất hạn chế. Theo Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, từ năm 2012 đến nay, UBND huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn vào xây dựng 60 công trình hạ tầng cơ sở với tổng vốn trên 87,6 tỉ đồng. Trong đó có 5 công trình được bảo dưỡng với số vốn 2,4 tỉ đồng, chiếm hơn 2,7% tổng số vốn xây dựng mới.

 

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Lê Văn Tấn, Phó Phòng Dân tộc, Đội trưởng Đội Quản lý các công trình nước sạch tập trung trên địa bàn huyện Sông Hinh, bày tỏ: Mỗi công trình nước ở đây bình quân được đầu tư từ 8-10 tỉ đồng. Nếu chỉ vì một vài cái van hỏng, đường ống hư, hay hệ thống điện, thiết bị trục trặc mà không vận hành được, công trình phải bỏ không, người dân không có nước sử dụng thì tổn thất rất nhiều vốn đầu tư của Nhà nước cũng như ảnh hưởng tới cuộc sống các hộ dân. Hàng năm, ngoài ngân sách Nhà nước, vốn sự nghiệp của UBND huyện cấp cho đội để bảo dưỡng, nâng cấp các công trình này thì không còn nguồn nào khác. Nguồn thu từ thu phí sử dụng nước của các hộ dân chỉ đủ trả lương cho công nhân vận hành và bảo vệ công trình.

 

Nhiều công trình sau khi xây dựng giao lại cho cấp xã quản lý, trong quá trình sử dụng gặp sự cố, không có nguồn kinh phí bảo dưỡng sẵn, kinh phí của xã lại không có khiến công trình kém hiệu quả. Ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), cho biết: Xã được bàn giao quản lý nhiều công trình, như trường mẫu giáo, cấp nước tập trung, kênh mương và đập dâng thủy lợi… Gặp điều kiện thời tiết bất thường, các công trình này hay hư hỏng. Nếu xã có kinh phí để sửa chữa ngay, khắc phục khi mới hư hỏng nhẹ thì sẽ hạn chế kinh phí Nhà nước cũng như công trình không bị gián đoạn lâu. Nhưng hàng năm thu ngân sách của xã chỉ đạt 30 triệu đồng, chỉ tạm đủ để giải quyết nhu cầu dân sinh trước mắt, nên chỉ còn biết chờ cấp trên xử lý…

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, các công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các công trình nước tập trung, hệ thống thủy lợi ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân nên rất cần được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên. Kinh phí cho hoạt động bảo dưỡng các công trình này, ngoài ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương còn có nguồn thu từ việc đưa khai thác công trình sau xây dựng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, hầu hết các công trình này đều phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước là chính. Vì vậy, nhiều công trình, từ hư hỏng nhẹ không được khắc phục kịp thời, theo thời gian thành hư hỏng nặng thậm chí không thể sử dụng được. Các địa phương cần quan tâm hơn tới đầu tư cho công tác này, trong đó chú trọng tới xã hội hóa, huy động các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham giá góp vốn.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek