Thứ Tư, 27/11/2024 12:41 CH
Nông dân sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật
Thứ Tư, 29/03/2017 13:00 CH

Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn khi lúa đã trổ - Ảnh: HOÀI NAM

Hiện lúa đông xuân trong giai đoạn trổ đòng. Ở một số vùng, nông dân tăng cường phun thuốc ngăn ngừa sâu bệnh hại, điều này khiến tồn dư thuốc ngấm vào hạt lúa. Trong khi đó, trên các gò đồi, nông dân cũng đang lạm dụng các loại thuốc cỏ phun tràn lan; thuốc sau khi phun ngấm vào đất, nước ngầm…

 

Đụng đâu phun đó

 

Đám lúa của ông Lê Văn Trung ở xã An Định (huyện Tuy An) đang trổ đòng, lá lúa không có hiện tượng bị sâu bệnh. Thế nhưng, ông Trung vẫn mua thuốc về phun để ngăn ngừa bệnh đạo ôn. Ruộng nhà ông gần tuyến ĐT641 (từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An đi thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), thuốc bảo vệ thực vật bay theo chiều gió tỏa mùi nồng nặc khiến nhiều người đi đường phải bịt mũi. Ông Trung cho biết: “Vùng này năm ngoái bị bệnh đạo ôn bạc trắng gié nên vụ này tôi mua thuốc về phun ngừa”.

 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tấn Thi, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An, muốn ngăn ngừa bệnh đạo ôn, ngay từ đầu vụ, nông dân không nên sử dụng giống nhiễm để gieo sạ; đồng thời cần bón phân cân đối NPK, ngưng bón phân đạm. Còn việc phun thuốc chỉ tốn kém chi phí sản xuất chứ không mang lại hiệu quả. Đó là chưa kể tồn dư thuốc ngấm vào hạt lúa, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

Không chỉ ông Trung mà nhiều nông dân ở các xã An Thạch, An Ninh Đông (huyện Tuy An) không nắm vững quy trình phòng ngừa sâu bệnh hại trên cây lúa, khi thấy lúa trổ nhưng không bung gié, nghĩ là bị sâu cuốn lá nên vội mua thuốc về phun. Trong khi đó, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, bệnh nghẽn đòng cần bón phân hỗ trợ lá, còn phun thuốc không những không hiệu quả mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 

Gần đây, tại các xã Hòa Trị, Hòa Quang Nam, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), khi lúa gieo sạ xong, đàn ông trong gia đình đi làm ăn xa, chỉ còn phụ nữ ở nhà nên chịu trách nhiệm thăm đồng lấy nước, bón phân cho lúa. Giai đoạn lúa trổ đòng bị bệnh đạo ôn, họ thuê người phun thuốc. Bà Nguyễn Thị Minh ở xã Hòa Trị, cho biết: Vừa qua, lúa nhà tôi bị bệnh đạo ôn, chồng tôi đi làm thợ hồ tận Đồng Nai, tôi phải thuê người phun với giá 50.000 đồng/sào.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Hòa, do nông dân thuê người phun thuốc nên hầu hết họ đều phun thuốc không đúng cách. Trên chai thuốc hướng dẫn 1 sào phun 2 bình tương đương 8 lít nước; thế nhưng do phun tính sào lấy tiền nên người phun thuốc chỉ phun 1 bình, lúa không hết bệnh mà dây dưa, nông dân phải tốn tiền phun nhiều lần mà không hiệu quả.

 

Nguy hiểm tính mạng

 

Không chỉ nông dân ở vùng đồng bằng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân các huyện miền núi cũng phun các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn có độ độc cao tràn lan từ các vùng gò đồi ra tận soi ruộng. Ông Ma Rong ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), cho hay: “Trên đám đất nhà tôi, cây mắc cỡ và các loại cỏ dại mọc tràn lan. Trước khi cày đất rắc đậu phộng, tôi phun thuốc lưu dẫn diệt cỏ. Sau khi gieo, đậu nảy mầm nhưng không hiểu sao sau đó lại chết sạch.

 

Theo ngành chức năng, thuốc lưu dẫn thời gian “lưu” trên lá rồi “dẫn” xuống đất thấm vào rễ mất trên 10 ngày. Có người phun xong thì cày bừa xuống giống liền, gặp phải tàn dư thuốc lưu dẫn, giống đậu mới nảy mầm thấm thuốc đã chết sạch, nhiều người không biết cứ đổ thừa do giống hư.

 

Dọc các khu gò đồi rộng hàng trăm hécta từ thôn Hòa Ngãi đến thôn Hòa Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) qua xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), nông dân phun thuốc cỏ cháy tràn lan, có đám đất sau khi phun, cỏ dại “cháy” như vừa bị đốt. Ông Phan Văn Tính ở xã Đức Bình Tây, giãi bày: Đám sắn nhà tôi mới trồng cao khoảng một gang tay, xung quanh bờ cỏ dại phủ kín nên tôi phun thuốc cỏ cháy. Thuốc này phun ngày trước, ngày sau cỏ quanh bờ cháy rụi, không phải bỏ công cuốc.

 

Mặc dù các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn có độ độc cao nhưng nông dân lại sử dụng tràn lan, không kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây, ông So Minh Lố ở xã Sơn Định, sau khi chặt mía về, tranh thủ buổi trưa đi phun thuốc cháy, về đến nhà say thuốc nằm liệt.

 

Theo ThS Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, thuốc cỏ cháy có độ độc thuộc nhóm 2, còn thuốc lưu dẫn (Glyphosate) thuộc nhóm 3. Việc nông dân lạm dụng những loại thuốc này không chỉ khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư nhiều trên gò đồi, gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí sản xuất, mà còn gây ngộ độc cho nông dân khi phun thuốc. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dùng thuốc diệt cỏ cần lưu ý 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng và đúng cách.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek