Thứ Tư, 30/10/2024 08:28 SA
Mô hình giúp đỡ xã nghèo Sơn Phước (Sơn Hòa):
Hiệu quả nhờ phối hợp thực hiện
Thứ Năm, 23/03/2017 13:00 CH

Cán bộ Sở TN-MT và Nhà máy đường KCP Sơn Hòa hướng dẫn kỹ thuật cắt mía giống - Ảnh: MINH DUYÊN

Sau một thời gian triển khai, mô hình giúp đỡ xã nghèo Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) do Sở TN-MT thực hiện theo Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng phát huy hiệu quả nhờ huy động được nhiều đơn vị vào cuộc phối hợp. 

 

Phối hợp thực hiện

 

Năm 2015, khi triển khai mô hình giúp đỡ xã nghèo Sơn Phước, Sở TN-MT đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina trình diễn mô hình “Thâm canh cây mía thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Cây mía là cây trồng chủ lực của xã Sơn Phước nhưng do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu nên hạn hán kéo dài khiến năng suất mía bị ảnh hưởng. Do đó, Sở TN-MT triển khai mô hình thâm canh cây mía nhằm giúp người dân trong xã học được kỹ thuật tưới nước cho mía; tiếp cận với các giống mía mới và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Thời gian đầu, mô hình được triển khai làm điểm trên diện tích 15ha với 8 hộ dân tham gia. Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina hỗ trợ các hộ dân 30% giá phân bón; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đầu tư phương tiện kỹ thuật như máy bơm dầu, máy bơm điện và thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch.

 

Phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình sản xuất, mới đây, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT tập huấn kỹ thuật trồng mía cho nông dân trong xã. Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN-PTNT), cho biết: Đồng hành cùng Sở TN-MT trong suốt 2 năm qua, đơn vị phụ trách việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đưa giống mới vào sản xuất cho 8 hộ tham gia mô hình thâm canh cây mía. Đến nay, sau khi có kết quả, mô hình tiếp tục được nhân rộng đến người dân trong xã. Qua đó giúp bà con thay đổi thói quen trồng mía thủ công, manh mún và phụ thuộc vào nước trời thành thói quen sản xuất lớn, gắn với cơ giới hóa và chủ động về nước tưới, giống, phân bón…

 

Không chỉ chăm lo cho hoạt động sản xuất của người dân, Sở TN-MT còn phối hợp với Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh thường xuyên tổ chức khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Theo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, đến nay, đơn vị đã 3 lần cùng Sở TN-MT thăm khám, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người nghèo ở xã Sơn Phước. Bên cạnh đó, các bác sĩ của đơn vị cũng tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh ăn uống, sinh hoạt để phòng tránh một số bệnh thường gặp. Ngoài ra, đoàn thanh niên, Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Công nghệ thông tin của Sở TN-MT còn phối hợp với đoàn thanh niên, cán bộ xã thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã; hướng dẫn cán bộ xã sử dụng các phần mềm tin học chuyên ngành để giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý đất đai…

 

Hiệu quả rõ rệt

 

Những hộ tham gia mô hình thâm canh cây mía không chỉ sản xuất đạt năng suất cao mà còn được các công ty đồng hành bằng nhiều chính sách ưu đãi. Theo ông Nguyễn Phúc Trí, chuyên viên giám sát nông vụ của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, mô hình thâm canh cây mía thích ứng với biến đổi khí hậu cho năng suất trung bình đạt 85 tấn/ha, cao hơn từ 27-29 tấn/ha so với năng suất mía bình quân của toàn xã. Cơ giới hóa trong sản xuất cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn khi tiết kiệm được thời gian và chi phí. Mỗi một hecta mía làm thủ công mất hết 12 triệu đồng và thời gian kéo dài 3 ngày, trong khi làm máy hết 11 triệu đồng và chỉ mất 1 ngày. Đơn vị đã hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để bà con mua máy bơm tưới nước vào ruộng, 40 triệu đồng/hộ để đào hồ tìm nguồn nước. Ngoài ra, người dân còn được vay ưu đãi từ 170-200 triệu đồng/hộ để đầu tư cho cây mía, không tính lãi và có thể thanh toán vào cuối vụ.

 

Nhiều hộ tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác mía thì học hỏi được phương pháp hay áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình. Nông dân Dương Minh Trí ở buôn Ma Gú, cho biết: Nhà tôi có 1,3ha đất trồng mía, bình quân lợi nhuận chỉ đạt 18-20 triệu đồng/ha, trong khi đó những hộ có mô hình mía tưới nước có lợi nhuận tới hơn 60 triệu đồng/ha. Tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu được do tôi không chủ động nguồn nước tưới nên cây mía phát triển kém. Ngoài ra, tôi còn học được một số kỹ thuật sản xuất để có thể áp dụng cho 1,3ha mía của gia đình.

 

Theo ông K.Satyana Rayana, Giám đốc nguyên liệu Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Việt Nam đã hội nhập thương mại thế giới nên bà con cần nâng cao kỹ thuật canh tác để sản lượng đạt chất lượng tốt nhất. Cách tính 1ha cho bao nhiêu tấn mía đã cũ rồi, bây giờ phải tính 1ha mía đạt chữ đường bao nhiêu, tức là hiệu quả phải được tính bằng chất lượng chứ không phải số lượng. Do vậy, những mô hình thâm canh như thế này cần phải được đẩy mạnh nhân rộng ra toàn huyện Sơn Hòa và cả tỉnh Phú Yên.

 

HẢI PHONG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek