Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67/2007/TT-BTC về việc chuyển đổi các Trung tâm thẩm định giá sang mô hình doanh nghiệp (DN) hoạt động độc lập theo Nghị định 101 của Chính phủ. Là một lĩnh vực mới song thẩm định giá được đánh giá là khá quan trọng, cần thiết cho nền kinh tế, nhất là Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng tại Phú Yên, sắp tới sẽ có nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực thẩm định giá thâm nhập thị trường và cùng cạnh tranh. Ông Đào Văn Tuyển, Giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá Đông Á (EAAC) chi nhánh Phú Yên có cuộc trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này.
* Là DN thẩm định giá đầu tiên hoạt động theo mô hình mới trên thị trường Phú Yên, ông có thể cho biết những điểm mới trong sắp xếp nói trên của Bộ Tài chính?
Ông Đào Văn Tuyển.
- Thông tư 67 của Bộ Tài chính hướng dẫn chuyển đổi mô hình hoạt động thẩm định giá từ các Trung tâm thẩm định giá nhà nước sang mô hình DN độc lập hoạt động theo Luật DN bao gồm các hình thức: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh và DN tư nhân. Giữ các DN sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và mức phí thẩm định.
* Dịch vụ thẩm định giá bao gồm những lĩnh vực kinh doanh nào, thưa ông?
- Theo quy đinh mới, các dịch vụ thẩm định giá được DN kinh doanh gồm: bất động sản (quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê, khu đất dự án, nhà ở, trang trại…); máy móc thiết bị (dây chuyền thiết bị công nghiệp, thiết bị y tế, trường học…), giá trị doanh nghiệp (tài sản đầu tư và tài chính, quyền sở hữu vốn…), tài sản vô hình (thương hiệu, sở hữu trí tuệ, bản quyền…), dự án đầu tư (thẩm định giá dự toán, giá trị quyết toán công trình, tư vấn đầu tư…).
* Nếu DN thẩm định giá đưa ra giá dịch vụ thẩm định thấp thì có ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định không?
- Vấn đề giá dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá. Hiện giá dịch vụ thẩm định giá được xác định theo thoả thuận giữa DN thẩm định giá với khách hàng. Dù giá dịch vụ thẩm định của mỗi DN đưa ra có khác nhau nhưng không vì thế mà chất lượng dịch vụ thẩm định giảm đi vì DN thẩm định giá hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo tôi vấn đề giá dịch vụ thẩm định cần phải có sự quản lý của Hội đồng thẩm định giá Việt Nam, có thể Hiệp hội thẩm định giá sẽ đưa ra khung giá trên cơ sở đóng góp ý kiến của các DN thẩm định giá, để từ đó làm cơ sở thoả thuận với khách hàng.
* Nhiều DN cổ phần hóa hay DN có tài sản cần thế chấp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh ở Phú Yên phàn nàn rằng, thời gian cho việc thẩm định giá thường rất dài, vậy làm cách nào để rút ngắn?
- Theo tôi, để đẩy nhanh thì cần có chế tài rõ ràng, thời gian thực hiện phải ghi cụ thể trong hợp đồng thẩm định giá nhằm có sự ràng buộc chặt chẽ. Nếu năng lực DN không đáp ứng hoặc không đủ thông tin thì sẽ từ chối ký hợp đồng. Đối với tài sản Nhà nước có giá trị lớn, nên lựa chọn hai hoặc nhiều DN thẩm định giá độc lập và có thuyết minh kết quả thẩm định để cơ quan quản lý có đủ cơ sở tin cậy phê duyệt, nhằm tránh gây thất thoát cho ngân sách vì giá dịch vụ đã thoả thuận trước và không phụ thuộc vào giá trị thẩm định. Đây là giải pháp đẩy mạnh việc thẩm định giá, góp phần mang lại hiệu quả cho công tác điều hành ngân sách.
* Ông đánh giá như thế nào về thị trường thẩm định giá ở Phú Yên?
- Thẩm định giá không còn kiểu kinh doanh “một mình một chợ” nữa. Theo thông tin tôi biết, thị trường thẩm định giá Phú Yên sắp có sự góp mặt của hàng loạt DN cùng cạnh tranh như Công ty thẩm định giá của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Công ty thẩm định giá của Ngân hàng TMCP Á Châu… nên dự báo thị trường sẽ rất sôi động. Việc có nhiều DN cùng cạnh tranh trên thị trường sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư Phú Yên có thể lựa chọn những DN tốt nhất thẩm định đúng giá trị tài sản của mình làm cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
QUANG THUẦN (thực hiện)