Hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) nhập lậu xuất hiện tại các cửa hàng ngày càng ít do ngành quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý. Người tiêu dùng đang chuyển hướng sử dụng hàng chính hãng vì giá cả ngày càng giảm. Một xu hướng tiêu dùng mới đang dần hình thành trong các tầng lớp người tiêu dùng.
Khách hàng mua điện thoại di động chính hãng tại siêu thị Viettel – Ảnh: Đ.NGUYÊN
KHÔNG MẶN MÀ VỚI HÀNG NHẬP LẬU
Theo giới kinh doanh ĐTDĐ, mặt hàng điện thoại ngoài luồng đã đến lúc “hết thời” vì giá nhiều loại điện thoại chính hãng giảm mạnh, phần khác là các ngành chức năng tăng cường quản lý. Ông Lê Thành Tân, Giám đốc DNTN Phương Thủy (TP Tuy Hòa), cho biết: “Phần lớn khách hàng chọn mua hàng chính hãng, số còn lại có nhu cầu mua hàng ngoài luồng với lý do giá rẻ rất ít nhưng cũng không có hàng cung ứng”. Ông Tân cho biết thêm, trước đây hầu như cửa hàng nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu mua hàng ngoài luồng của khách thì đến nay chỉ có khoảng 30% số cửa hàng có bán hàng ngoài luồng.
Một chủ cửa hàng bán ĐTDĐ trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) cho biết, thường các chủ cửa hàng phân hàng ngoài luồng làm ba loại chính: loại một là hàng chính hãng nhưng nhập lậu (trốn thuế) được ưa chuộng nhất vì chất lượng tương đương với hàng công ty nhưng giá lại rẻ hơn nhiều; loại hai là hàng do Trung Quốc sản xuất nhái nhãn mác của hàng chính hãng nhưng chất lượng sản phẩm vẫn tốt; loại ba là hàng cũ được các chủ cửa hàng tân trang qua việc thay vỏ mới, bàn phím mới và bán giá hàng mới cho những khách hàng còn chưa biết nhiều về điện thoại.
NGƯỜI DÙNG ĐANG CHUYỂN HƯỚNG
Thực tế cho thấy nhu cầu mua hàng ngoài luồng đang có xu hướng ngày càng giảm. Chủ cửa hàng ĐTDĐ Nghĩa Dương (TP Tuy Hòa) cho biết, hàng ngoài luồng có nhiều người chào bán nhưng ít người mua, chủ yếu chỉ học sinh, sinh viên, còn đa số người có thu nhập trung bình trở lên thường chọn hàng chính hãng. Sở dĩ người tiêu dùng chuyển sang xu hướng thích mua hàng công ty hơn vì họ quan tâm không chỉ đến giá, kiểu dáng mà còn quan tâm đến chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng. Ông Nguyễn Quang Tùng, phụ trách bán hàng của hãng Siemens Mobile khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: Khách hàng giờ đây rất kỹ tính. Khi đã quyết định mua hàng chính hãng, họ yêu cầu phải có đủ thẻ bảo hành, tem đảm bảo. “Không ít người còn yêu cầu mua máy mới nhập khẩu, họ không chỉ xem thử, nghe thử mà còn... ngửi cả máy điện thoại trước khi mua”, ông Tùng nói.
Thái độ chăm sóc khách hàng của các điểm bán ĐTDĐ cũng là một tiêu chuẩn chọn lựa. Ông Ngô Văn Thắng, ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết: “Tôi mua một điện thoại của hãng M., khi mang đi bảo hành lại phải trả tiền sửa chữa, mặc dù sản phẩm vẫn còn trong thời gian bảo hành. Tôi sẽ không bao giờ dùng sản phẩm của M nữa” – Thắng bức xúc nói.
Ngày nay khi mua điện thoại ngoài tính năng đàm thoại, người tiêu dùng còn quan tâm đến các dịch vụ giá trị gia tăng mà loại điện thoại đó có hỗ trợ, như điện thoại đó có thể cài đặt được hình ảnh, in ảnh, truy cập WAP hay không. Sự thay đổi về xu hướng người dùng là một tín hiệu vui cho các nhà kinh doanh ĐTDĐ chính hãng.
ĐĂNG NGUYÊN