Hiện nay, cả nước đã có 7 tỉnh bùng phát dịch cúm gia cầm, làm chết và buộc tiêu hủy hàng ngàn con gia cầm khiến người chăn nuôi thiệt hại không nhỏ. Trước tình hình này, ngành Thú y, các địa phương và người chăn nuôi trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch cúm gia cầm phát sinh gây hại cho đàn gia cầm.
Nhiều biện pháp phòng, chống
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay cả nước đã có 7 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm bao gồm Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai và Nghệ An. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương cận kề với Phú Yên nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ tỉnh này là cao nhất. Để ngăn ngừa, không cho dịch bệnh lây lan từ ngoài tỉnh vào, hiện chi cục đang tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Đồng thời, chi cục cũng đã chỉ đạo cho các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị, thành phố rà soát lại đàn gia cầm và tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các địa điểm chăn nuôi tập trung, các khu chợ mua bán, giết mổ gia cầm và các ổ dịch cũ.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Hòa Dương Mẫn cho biết: Là địa phương từng xảy ra dịch cúm gia cầm nên chúng tôi rất cảnh giác đối với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Để ngăn ngừa dịch bệnh, trạm đang phối hợp cùng đội ngũ thú y viên cơ sở kiểm soát, theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý nếu dịch bệnh xuất hiện. Trạm còn phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi, thu gom xử lý chất thải mỗi ngày...
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng vừa cấp 5.000 lít thuốc tiêu độc sát trùng cho các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Các địa phương sẽ sử dụng nguồn thuốc này để phun tiêu độc sát trùng môi trường tại các khu vực chăn nuôi, chợ mua bán gia cầm, các lò giết mổ...
Nói về những khó khăn nhất định trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm, ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết hiện nay, công tác kiểm soát mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào tỉnh chỉ được thực hiện tại Trạm kiểm dịch Hảo Sơn (huyện Đông Hòa) vì chốt kiểm dịch tại cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) đã đóng cửa. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi lại đang bùng phát dịch cúm gia cầm, nguồn gia cầm nhiễm bệnh nếu được vận chuyển lậu vào tỉnh qua cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) thì không được kiểm soát. Vì vậy, hiện chi cục đã đề xuất với UBND tỉnh cho mở lại chốt kiểm dịch tạm thời tại đây để kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm vào tỉnh từ cả 2 đầu bắc, nam của tỉnh.
Người chăn nuôi cần chủ động
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 3,7 triệu con với gần 2 triệu con vịt và 1,7 triệu con gà, tập trung nhiều nhất ở huyện Tây Hòa và Đông Hòa. Gần 1 tháng qua, dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnh trong cả nước, khiến người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh lo lắng. Ông Bùi Văn Khuê ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), cho hay: Gia đình tôi có đàn vịt đẻ 2.000 con, đây là tài sản lớn và là nguồn thu chính của cả gia đình. Nghe tin dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan ở nhiều tỉnh thành, trong khi đó, Hòa Xuân Đông là địa phương từng xảy ra dịch cúm gia cầm nên tôi lo ngại mầm bệnh còn lưu cữu, khi có điều kiện thuận lợi thì phát sinh gây dịch.
Hiện nay, người nuôi gia cầm đang tích cực tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi. Theo bà Trần Thị Hà ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), đàn vịt đẻ nhà bà có hơn 3.000 con, vừa qua bà đã mua hết 1,5 triệu đồng tiền vắc xin cúm A/H5N1 để tiêm phòng cho đàn vịt. Tuy nhiên, loại vắc xin này chỉ mới ngừa được chủng vi rút cúm gia cầm H5N1, còn các chủng vi rút khác thì không biết ra sao. Trong lúc này, các hộ chăn nuôi còn tiến hành phun thuốc sát trùng, xử lý chất thải và bổ sung khoáng chất, vitamin cho gia cầm để tăng sức đề kháng.
Để phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cũng phải chủ động trong công tác phòng chống, đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, tránh thiệt hại. Người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc như cúm gia cầm, dịch tả và gumboro cho gà, vịt; phun tiêu độc khử trùng; thu gom và xử lý chất thải. Trong trường hợp gia cầm có các dấu hiệu nhiễm bệnh, chết, người nuôi phải báo ngay cho địa phương, cơ quan thú y gần nhất để xử lý kịp thời. Đồng thời, người nuôi không bán chạy gia cầm nhiễm bệnh, vứt xác gia cầm chết ra môi trường...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đào Lý Nhĩ |
THỦY TIÊN - QUỐC TRUNG