Thứ Sáu, 01/11/2024 19:18 CH
Thu nhập cao từ dịch vụ cơ giới nông nghiệp
Thứ Bảy, 18/02/2017 08:35 SA

Máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa tại các khu đồng ở huyện Tuy An - Ảnh: THỦY TIÊN

Thời gian qua, nhiều hộ dân đã mua sắm các loại máy móc để làm dịch vụ cơ giới hóa có nguồn thu nhập hấp dẫn, góp phần tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, dịch vụ cơ giới hóa ra đời đã đáp ứng nhu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của người dân; giúp giải quyết hiệu quả nhu cầu lao động khi bước vào vụ trồng, vụ thu hoạch; giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, Phú Yên đã hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì chi phí đầu tư thiết bị cơ giới hóa quá cao nên không phải nông dân nào cũng có thể trang bị máy móc phục vụ canh tác. Chính vì vậy, một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã đầu tư mua sắm các loại máy móc làm dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), cho biết: Nhận thấy nhu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất của người dân ngày càng cao, năm 2015, vợ chồng tôi mua một máy gặt đập liên hợp Kobuta với giá gần 600 triệu đồng để làm dịch vụ thu hoạch lúa. Ban đầu, tôi chỉ thu hoạch cho các vùng trồng lúa trong tỉnh. Khi việc đã quen, tôi đưa máy “xuất ngoại”, thu hoạch ở các tỉnh Bình Định, Nghệ An, Nam Định, Bắc Giang. Nhờ thời vụ thu hoạch ở các tỉnh khác nhau nên thời gian máy hoạt động kéo dài hơn 2 tháng/vụ.

 

Theo ông Tính, để vận hành một giàn Kobuta cần 3 người, gồm 1 người lái máy và 2 người cột bao với chi phí nhân công 850.000 đồng/ngày. Một máy Kobuta mỗi ngày chạy hết 90 lít dầu tốn khoảng 1,2 triệu đồng, tổng chi phí vận hành một dàn Kobuta hơn 2 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, vào mùa vụ, mỗi ngày, một dàn máy gặt đập liên hợp có thể thu hoạch được 5ha lúa với giá 2,2 triệu đồng/ha. Như vậy, sau khi trừ chi phí cho lãi 8,9 triệu đồng/ngày (chưa khấu hao máy). “Bình quân mỗi năm, dàn máy của gia đình tôi thu hoạch được 2 vụ, mỗi vụ được hơn 2 tháng, trừ các khoản chi phí và khấu hao máy mỗi năm có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Hiện gia đình đang tính toán để đầu tư thêm một dàn gặt đập đời mới hơn, có thể thu hoạch trong bất kỳ điều kiện nào như ruộng sình lầy, lúa ngã đổ…”, ông Tính cho biết thêm.

 

Theo UBND huyện Phú Hòa, hiện nay dịch vụ cơ giới trong sản xuất lúa đang được người dân địa phương phát triển mạnh. Toàn huyện có khoảng 400 máy sạ lúa theo hàng và máy gặt lúa rải hàng, khoảng 200 máy cày đất và 50 máy gặt đập liên hợp… đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong canh tác của người dân địa phương.

 

Người dân thuê máy cày làm đất để chuẩn bị bước vào vụ trồng mía mới - Ảnh: THỦY TIÊN

 

Hiện nay, dịch vụ cơ giới trong sản xuất sắn, mía cũng cho thu nhập cao đối với những người làm dịch vụ này. Bà Cao Thị Chi Tuyết ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho hay: Gia đình tôi có 70ha mía nên tôi đầu tư các loại máy cày, xe tải và máy trồng để phục vụ sản xuất. Nhận thấy việc đưa máy móc vào trồng và thu hoạch mía mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân có nhu cầu thuê nên tôi làm thêm dịch vụ cày đất và trồng mía. Gia đình tôi có 1 máy cày đất, 3 dàn máy trồng mía. Hiện tôi không chỉ làm dịch vụ trồng mía trong tỉnh mà còn trồng mía thuê ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Theo bà Tuyết, 1 dàn máy mỗi ngày trồng được 2ha mía với giá từ 3,5-4 triệu đồng/ ha (trong tỉnh 3,5 triệu đồng/ha, ngoài tỉnh 4 triệu đồng/ha), trừ các khoản chi phí và khấu hao máy còn lãi được 50%. Bình quân, mỗi năm, 3 dàn máy trồng hoạt động được 5 tháng, mang lại thu nhập khoảng 1,2 tỉ đồng. Đối với máy cày, mỗi mùa cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. So với trồng mía, làm dịch vụ cơ giới cho thu nhập hấp dẫn và ít rủi ro hơn. Sắp tới, gia đình bà Tuyết sẽ tìm hiểu, đầu tư thêm dàn máy cắt mía để mở rộng dịch vụ cơ giới và khép kín các khâu trồng mía.

 

Còn theo ông Huỳnh Khắc Vũ ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), ngoài trồng mía, khoảng 4 năm trở lại đây, ông đầu tư nhiều thiết bị làm dịch vụ cơ giới phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện gia đình ông có 3 dàn máy trồng mía, 2 máy cày. Bình quân mỗi năm dịch vụ cơ giới hóa mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông khoảng 1,7 tỉ đồng.

 

Phó phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) Trần Hưng Lợi cho biết: Từ xu thế cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, người dân ở các vùng nông thôn đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 công cụ gieo sạ lúa, hơn 400 máy gặt lúa và khoảng 300 máy gặt đập liên hợp, hơn 200 máy thu hoạch mía và bắp, khoảng 1.500 máy cày… Hiện nay, cây lúa là loại cây trồng có tỉ lệ ứng dụng cơ giới hóa cao nhất, trong đó khâu làm đất đạt gần 100%, vận chuyển 75%, thu hoạch 92%. Đối với các loại nông sản mía, sắn, người dân đã đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất đạt 99%; khâu thu hoạch khoảng 12%; khâu trồng trên 13%.

 

THỦY TIÊN - QUỐC TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek