Đợt mưa lớn trái mùa trên diện rộng kéo dài từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 đã làm hơn 1.200ha lúa trên địa bàn tỉnh bị ngập úng hư hại. Những ngày qua, nông dân trong tỉnh khẩn trương gieo sạ lại số diện tích này. Tuy nhiên, hiện trên cánh đồng sạ trà đầu xuất hiện bệnh đạo ôn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên giảm bón phân đạm.
Khẩn trương gieo sạ lại
Trong số hơn 1.200ha lúa bị ngập úng hư hại phải gieo sạ lại thì huyện Đông Hòa có diện tích sạ lại nhiều nhất, lên đến 503ha, chủ yếu ở các cánh đồng xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Tân Đông. Theo ông Võ Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, với diện tích phải gieo sạ lại này, nông dân trên địa bàn huyện cần tỉnh hỗ trợ 63 tấn lúa giống; đợt trước, huyện đã nhận được kinh phí từ tỉnh hỗ trợ 17 tấn, đợt này thêm 46 tấn nữa. Sau khi nhận lúa giống, UBND huyện đề nghị các xã vận động nhân dân khôi phục sản xuất vụ đông xuân, khẩn trương sạ lại số diện tích hư hại nặng.
Tại cánh đồng lúa vùng trũng thấp từ xã Hòa Xuân Đông đến Hòa Xuân Tây, nhiều đám lúa non ngã rạp trên mặt nước, nông dân phải cày phá bỏ rồi bừa lại. Bà Huỳnh Thị Minh ở xã Hòa Xuân Đông, cho hay: Đám ruộng nhà tôi sạ được hơn 15 ngày nhưng do nước ngập nên thân cây lúa nhỏ bằng chân nhang, yếu ớt, ngã rạp. Đợt này, tôi chọn giống ngắn ngày sạ lại cho kịp thời vụ.
Còn ông Nguyễn Văn Xuân ở xã Hòa Xuân Tây đang bừa kéo láng đám ruộng chuẩn bị sạ lại, cho biết: Đám ruộng nhà tôi khi sạ thì ngập nước, lúa chỉ mọc xung quanh bờ rộng bằng đường bừa, còn giữa ruộng lúa chết sạch. Không có mạ dặm nên tôi phải phá bỏ để bừa, sạ lại.
Còn tại huyện Tây Hòa, các cánh đồng dọc theo sông Bánh Lái từ xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh, Hòa Đồng đến Hòa Tân Tây, nông dân đang khẩn trương gieo sạ lại 42ha lúa bị hư hại. Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Đợt mưa lớn đầu tháng 2 vừa qua làm ngập úng 437ha, diện tích bị hư hại là 117ha, trong đó hư hại trên 70% là 42ha. Chỉ tính riêng tại xã Hòa Tân Tây, lúa bị ngập úng 227ha thì có đến 15ha thiệt hại trên 70%. Tại xã Hòa Thịnh, diện tích lúa bị ngập 110ha thì có đến 5ha thiệt hại trên 70%. Các xã còn lại diện tích bị ngập úng 100ha, trong đó có 12ha thiệt hại nặng… Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đôn đốc các hợp tác xã vận động người dân gieo sạ lại diện tích hư hại nặng, đồng thời cấy dặm, chăm sóc những diện tích bị ngập nước.
Xuất hiện bệnh đạo ôn
Cũng tại huyện Tây Hòa, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại rải rác trên những chân ruộng sạ dày, bón phân thừa đạm ở các xã ven núi như Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông…; chủ yếu phát sinh trên giống ML48, diện tích thiệt hại 7,5ha. Còn tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 4,5ha, trong đó có 3,5ha bị thiệt hại với tỉ lệ bệnh 7-8% lá, gây hại trên giống MT10, ML48. Theo ThS Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay ảnh hưởng không khí lạnh, vào buổi sáng, trời nhiều sương nên bệnh đạo ôn, sâu năn có khả năng phát triển và gây hại mạnh trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - trổ, đặc biệt là trên giống nhiễm bệnh, chân ruộng trũng, sạ dày và bón thừa phân đạm. Khi lúa có hiện tượng nhiễm đạo ôn, nông dân cần ngưng bón phân đạm…
Tại các cánh đồng xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Thạch (huyện Tuy An) nằm ven sông Kỳ Lộ, cây lúa vừa ra lá non đã trải dài một màu xanh ngắt. Bà Trương Thị Nhạn ở xã An Ninh Đông ra thăm đồng, nói: Mấy hôm nay, thời tiết lạnh nên tôi không dám vãi phân, sợ thừa đạm, lúa bị bệnh đạo ôn. Tôi chỉ bón kali để cây lúa cứng.
Còn tại các cánh đồng chạy dọc quốc lộ 25 từ xã Hòa An lên đến xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), sâu bệnh hại xuất hiện rải rác, nhất là bệnh đạo ôn. Ông Trần Văn Dũng ở xã Hòa Định Tây, cho biết: “Thời tiết đang lạnh, lúa có nguy cơ bệnh đạo ôn nên tôi không dám thúc phân. Chờ thời tiết nắng ấm, tôi mới bón phân cho lúa đẻ nhánh rộ.
Để khôi phục sản xuất lúa đông xuân, Sở NN-PTNT khuyến cáo trên số diện tích sạ lại, các địa phương huy động mọi nguồn lực thực hiện việc tiêu úng, khơi thông dòng chảy kênh mương, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh. Trong khi thoát nước ruộng lúa, nếu thấy có rong rêu cần tạt nước rửa lá, tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp tốt sau ngập úng. Còn để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất lúa, người dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện bệnh sớm để kịp thời phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn. Khi cây lúa bị bệnh, người dân tuyệt đối không bón đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; đồng thời giữ mực nước đầy đủ trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước từng giai đoạn của cây lúa, tránh để ruộng khô hạn khi có bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
TRÂN TRÂM