Thứ Bảy, 02/11/2024 09:16 SA
Để dư nợ tín dụng tăng trưởng bền vững
Thứ Sáu, 10/02/2017 09:50 SA

Sau một thời gian khó khăn, những năm gần đây, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng ở Phú Yên đã tăng trưởng ổn định với mức xấp xỉ 20%/năm. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Phú Yên năm 2017 mới đây, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến để dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Báo Phú Yên ghi lại những ý kiến này.

 

ÔNG HUỲNH HỮU PHƯƠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NN-PTNT CHI NHÁNH PHÚ YÊN: Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị

 

Thời gian qua, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên luôn quan tâm cho vay 5 nhóm đối tượng ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, hiện dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại Agribank Phú Yên đã lên đến 4.700 tỉ đồng, chiếm hơn 85% tổng dư nợ của đơn vị với hơn 54.500 hộ còn vay vốn. Vì rất chú trọng đến nông nghiệp nông thôn - một trong những lĩnh vực thế mạnh của Phú Yên, nên ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Agribank Phú Yên còn triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi riêng liên quan đến lĩnh này theo chỉ đạo của hội sở như cho vay theo chuỗi sản xuất, cho vay nông nghiệp ứng dụng cao... Mới đây nhất là gói tín dụng 50.000 tỉ đồng phục vụ nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nên ngân hàng rất khó đẩy mạnh vốn vào những chương trình cho vay này.

 

Do đó, Agribank Phú Yên kiến nghị thời gian tới, tỉnh cần xem xét, có kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, triển khai các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để các ngân hàng thương mại mạnh dạn tham gia đầu tư vốn.

 

ÔNG LÊ MINH PHƯƠNG, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM CHI NHÁNH PHÚ YÊN: Thu hút đầu tư nhiều dự án lớn

 

Năm 2017, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên bám sát chỉ đạo của hội sở chính và Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện cho các khách hàng doanh nghiệp, người dân ở các địa phương vay vốn sản xuất, kinh doanh... Để làm tốt nhiệm vụ này, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, BIDV Phú Yên mong mốn tỉnh nhanh chóng tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự vào đầu tư các dự án lớn trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực du lịch vì Phú Yên còn nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này. Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh bố trí đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, từng bước xây dựng TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu thành những đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, phục vụ phát triển du lịch theo đúng định hướng của tỉnh.

 

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn luôn xấp xỉ 20%/năm nhưng tính ra, quy mô tín dụng của cả hệ thống Ngân hàng Phú Yên vẫn còn khá nhỏ, có thể nói là nhỏ nhất trong khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Trong khi các tỉnh lân cận đều có dư nợ trên 35.000 tỉ đồng (Bình Định khoảng 40.000 tỉ đồng, Khánh Hòa gần 38.000 tỉ đồng, Quảng Ngãi trên 40.000 tỉ đồng...) thì dư nợ tín dụng ở Phú Yên hơn 18.200 tỉ đồng là quá thấp. Do đó, việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là cơ hội để ngân hàng đầu tư vốn, mở rộng quy mô tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

ÔNG LÊ HỮU TÌNH, PHÓ GIÁM ĐỐC DNTN THỦY SẢN ĐẮC LỘC: Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực xuất khẩu

 

Năm qua, ngành Ngân hàng Phú Yên đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng như giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động thị trường... Tuy nhiên, khi nhìn lại cơ cấu tín dụng, chúng tôi nhận thấy dư nợ cho vay xuất khẩu trên địa bàn còn quá thấp, chỉ gần 320 tỉ đồng. Điều này phần nào lý giải tại sao năm 2016, chỉ tiêu xuất khẩu trên địa bàn chưa đạt kế hoạch nghị quyết HĐND tỉnh giao.

 

Thời gian tới, chúng ta phải làm sao để dư nợ dành cho lĩnh vực xuất khẩu tăng lên, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ trên địa bàn, thậm chí hơn thì các doanh nghiệp xuất khẩu ở Phú Yên mới có cơ hội phát triển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều này, trong năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mong muốn các ngân hàng thương mại quan tâm đẩy mạnh cho vay lĩnh vực xuất khẩu; đặc biệt là đầu tư, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến nông lâm thủy sản xuất khẩu với quy mô lớn, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các sở, ngành cần có cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển, tạo điều kiện để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt kế hoạch nghị quyết HĐND tỉnh. Điều này cũng sẽ góp phần giúp dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng một cách bền vững.

 

ÔNG LÊ THANH LAM, CHỦ TỊCH LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH: Hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn

 

Năm 2016, với nỗ lực kết nối của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Liên minh HTX tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng, từng bước giải quyết khó khăn, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tính ra, dư nợ cho vay của ngân hàng đối với các HTX còn quá ít, đến nay chỉ khoảng 5 tỉ đồng là chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của HTX. Thêm vào đó, các món vay qua ngân hàng thương mại chủ yếu là nhỏ lẻ, ngắn hạn, chỉ giúp HTX hoạt động thường xuyên chứ HTX chưa thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất vì không có tài sản thế chấp.

 

Hiện nay, điều kiện về tài sản thế chấp đã được mở khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn quy định HTX có thể vay vốn đến 1 tỉ đồng mà không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc làm sao để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, nâng cao khả năng quản trị tại mỗi HTX đang là rào cản lớn khiến HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng. Để giải quyết những vướng mắc này và tạo điều kiện cho HTX phát triển, chúng tôi mong muốn ngành Ngân hàng quan tâm giúp đỡ HTX trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; hỗ trợ tìm kiếm thị trường... Sắp tới, chúng tôi sẽ thí điểm xây dựng ở mỗi địa phương từ 2-4 HTX hoạt động hiệu quả, có điều kiện phát triển để giới thiệu ngân hàng tiếp cận, đầu tư vốn. Từ các HTX kiểu mẫu này, chúng tôi có thể nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần giúp thành phần kinh tế tập thể phát triển vững mạnh, tạo tiền đề cùng với địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

ÔNG NGUYỄN VĂN HÀN, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN: Phối hợp xử lý, thu hồi nợ xấu

 

Thời gian qua, ngành Ngân hàng Phú Yên đã quyết liệt thực hiện công tác xử lý nợ xấu theo lộ trình đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong năm 2016, các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực đôn đốc thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm, xử lý nợ, khởi kiện khách hàng vay... Kết quả đã xử lý được hơn 47,6 tỉ đồng nợ xấu. Cụ thể, cơ cấu lại nợ gần 12 tỉ đồng (chiếm 25,1%), bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ hơn 5,6 tỉ đồng (chiếm 11,8%), khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ gần 0,2 tỉ đồng (chiếm 0,4%), đề nghị thi hành án cưỡng chế thu hồi nợ hơn 1,9 tỉ đồng (chiếm 4%), xử lý rủi ro hơn 3,2 tỉ đồng (chiếm 6,8%), thực hiện các giải pháp khác thu được gần 24,7 tỉ đồng (chiếm 51,9%). Đến cuối năm 2016, nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 168,6 tỉ đồng, chiếm 0,92% tổng dư nợ.

 

Nhìn vào hiệu quả của những giải pháp xử lý nợ nói trên, chúng tôi nhận thấy đa phần các ngân hàng vẫn phải tự xử lý thông qua việc bán tài sản cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc cơ cấu lại nợ tạm thời và một số giải pháp khác... Đây không phải là những giải pháp căn cơ, giúp ngân hàng thoát khỏi “cục máu đông” nợ xấu. Do đó, chúng tôi mong muốn thời gian tới, các cơ quan tư pháp như thi hành án, tòa án tích cực phối hợp, giúp ngân hàng xử lý, thu hồi nợ xấu, góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động tín dụng. Điều này sẽ phần nào giúp ngân hàng lành mạnh về tài chính, tạo niềm tin vào hệ thống luật pháp để họ mạnh dạn cho vay. 

 

LÊ HẢO (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek