Những ngày qua, người dân 5 xã gồm An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp, sống ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đi bắt tôm đất, dắt, vẹm đá, thu tiền triệu.
Thu lộc trời cho
Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, do mùa mưa năm nay kéo dài rồi lũ lớn nên cửa biển An Hải, nơi đầm thông với biển mở rộng nên nước biển tràn vào làm cho tôm đất, dắt, vẹm đá xuất hiện trở lại với mật độ dày. Ông Trần Văn Tính ở xã An Ninh Đông đi bắt con dắt, vẹm đá, cho hay: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bà con nông dân quanh vùng rủ nhau ra đầm bắt con dắt, vẹm đá. Con dắt duỗi dày dưới lớp bùn, còn vẹm đá sống bám thành chùm ở các bờ đá. Trung bình một ngày, hai vợ chồng chịu khó ngụp lặn bắt 2 tạ dắt, vẹm đá bán với giá 5.000 đồng/kg, kiếm 1 triệu đồng.
Còn ông Bùi Văn Sang ở xã An Hiệp bơi sõng câu ra giữa đầm Ô Loan, dùng vợt moi bùn đổ vào trong sõng rồi chở vào bờ để vợ và con ông lựa bắt con dắt, vẹm đá ra khỏi bùn, đá. Ông Sang cho hay: Mỗi ngày tôi đi xúc con dắt gọi là bắt bộ (bắt bằng tay), thu lẫn lộn từ 3-4 tạ dắt, vẹm đá. Còn người khác dùng chấn đăng chuyên bắt vẹm đá thì thu khá hơn, từ 1-2 tấn. Vẹm đá được các thương lái mua về làm thức ăn cho tôm hùm với giá bình quân 5.000 đồng/kg. Người dân quanh vùng vui mừng vì thời điểm hiện nay biển động, nhiều ghe thuyền đánh bắt cá không thể ra khơi, thức ăn tôm hùm khan hiếm, nên vẹm được giá, chứ trước đây chỉ 2.000-3.000 đồng/kg.
Ông Đinh Văn Trung ở xã An Cư, thả 4 tấm chấn đăng, cứ mỗi tấm vớt lên cạo sạch thu vào gần 5 tạ vẹm đá. “Chấn đăng phải thả trước 2-3 tháng, thả trúng luồng lạch. Năm nay cửa đầm được thông với biển, vẹm đá xuất hiện với mật độ khá dày nên người dân bắt được nhiều. Các năm trước, cửa đầm không thông được với biển, nước trong đầm Ô Loan bị ô nhiễm, vẹm đá thưa thớt, mỗi tấm vớt lên chỉ được vài chục ký”, ông Trung nói.
Trước đây do cửa biển An Hải bị bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, gần 5 năm qua tôm đất trong đầm “vắng bóng”. Năm nay, tôm đất ở đầm Ô Loan xuất hiện khá dày. Nhiều người dân sống bên đầm, mỗi đêm đi đóng chấn bắt được 4-5kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Bà Phan Thị Mỹ Linh nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Hải, cho hay: Trước đây, nhiều năm liền đầm Ô Loan “đói” nên ban đêm buồn thiu. Nay đầm hồi sinh với nhiều loại tôm cá, cua; ban đêm người đi đánh bắt chong đèn sáng rực như “phố trên đầm”. Nhiều nhất là đèn đóng chấn bắt tôm đất. Nhờ vậy, tết năm nay, người dân sống quanh đầm được hưởng lộc từ đầm. Với nghề đánh bắt hải sản trên đầm Ô Loan, hàng ngày bình quân mỗi người thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cá biệt có người trúng lớn thu hàng chục triệu đồng/ngày.
Nhiều loại hải sản hồi sinh
Năm nay, cửa biển An Hải mở rộng, nước trong đầm Ô Loan được lưu thông với biển, môi trường nước được cải thiện nên nhiều loại hải sản sau nhiều năm vắng bóng như sò huyết, ốc lông, cua gạch, tôm đất, cá hồng, cá mú, chình… đã được hồi sinh và xuất hiện trở lại với mật độ dày. Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, cua gạch hiện nay xuất hiện dày nhưng còn nhỏ, nhiều người bắt cua nhỏ bán con giống. Cua đầm Ô Loan trọng lượng từ 0,3-0,5kg/con mới cho gạch. Cua gạch ở đầm Ô Loan nổi tiếng ngon. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, luộc, nướng, gạch cua có vị béo thanh tao, nhiều nơi ưa chuộng, vì vậy được bán với giá cao, có thời điểm giá 300.000-400.000 đồng/kg. Sau gần 10 năm “vắng bóng” do nguồn nước bị ô nhiễm, nay loại cua này xuất hiện trở lại trong đầm Ô Loan, người dân ven đầm rất phấn khởi…
Ngoài cua gạch thì cá hồng, cá mú cũng xuất hiện. Cá hồng theo con nước mặn từ cửa biển An Hải ngược vào đầm. Nhiều người dân đi bắt cá hồng bằng cách giăng lưới, thả lờ, kéo trủ; bình quân mỗi đêm một người bắt được từ 3-5kg cá mú, cá hồng.
Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Từ sau Tết Đinh Dậu đến nay, người dân địa phương vui mừng hưởng lộc từ đầm, có gia đình thu nhập khá từ bắt tôm đất, dắt, vẹm đá. Hội Nông dân các xã cũng đã tuyên truyền cho người dân quanh đầm có ý thức bảo vệ môi trường, không dùng xung điện, lờ ruột heo (lờ Thái Lan) khai thác cạn kiệt hải sản nhỏ trong đầm. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân không vứt rác cũng như xả nước sinh hoạt xuống đầm.
TRÂM TRÂN