Thứ Bảy, 04/01/2025 05:26 SA
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
Thứ Ba, 17/01/2017 08:22 SA

Gần 110ha rừng tại các tiểu khu 83 và 90 thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) bị tàn phá - Ảnh: ANH NGỌC

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa tổ chức rút kinh nghiệm và bàn những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

 

Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng

 

Theo Sở NN-PTNT, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 được tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa toàn diện, thiếu bền vững. Tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép có chiều hướng tăng, hành vi của các đối tượng vi phạm tinh vi hơn, manh động hơn, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 530 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng; trong đó có 33 vụ phá rừng, 105 vụ khai thác rừng và đã chuyển hồ sơ 19 vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hình sự. Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 2, Xuân Long (huyện Đồng Xuân), Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), Sơn Long, Sơn Định, Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa), Ea Trol, Sông Hinh, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Lâm tặc thường tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép ở lòng hồ các thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và các tuyến quốc lộ 25, 29…

 

Trong số các vụ phá rừng, nổi cộm lên tại huyện Đồng Xuân. Điển hình là các vụ phá rừng tại các tiểu khu 68, 83, 90 xã Phú Mỡ; 120, 121 xã Xuân Quang 2 và tiểu khu 110 xã Xuân Long với tổng diện tích 157,6ha, trong đó có 34,7ha rừng phòng hộ và 122,9ha rừng sản xuất. Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nguyên nhân phát sinh nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng là do hiệu quả kinh tế trồng rừng cao, nhu cầu về đất để trồng rừng tăng. Mặt khác, một bộ phận người dân nhận thức sai lệch về trạng thái rừng và đất lâm nghiệp. Lớp thực bì đã phục hồi, phát triển thành rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị tác động trước đây nhưng người dân vẫn xem là đất trống nên tổ chức phát dọn để trồng rừng. Bên cạnh đó, một số ngành chức năng, địa phương và chủ rừng còn thiếu trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Việc giao đất lâm nghiệp thời gian qua trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương thiếu kiểm tra hiện trạng thực tế nhưng vẫn xác nhận cho phát dọn thực bì…

 

Còn tại huyện Sơn Hòa, hình thức phá rừng ngày càng tinh vi. Theo ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, các đối tượng vào sâu trong rừng, phát luống cây nhỏ, dùng máy cưa xăng cắt hạ cây lớn rồi đốt, dọn đến đâu trồng keo, sắn, mía… đến đó. Nếu chưa bị phát hiện, các đối tượng này tiếp tục phát lấn dần mỗi ngày vài mét. Các đối tượng thường tập kết gỗ tại các bến sông khu vực giáp ranh giữa hai huyện Sơn Hòa (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai). Chính quyền một số địa phương có sự buông lỏng nên nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã được giao nhưng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất. Công tác xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng ở một số địa phương chưa phù hợp, việc tuần tra và xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

 

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

 

Tại huyện Sông Hinh, công tác quản lý đối với một số diện tích do các ban quản lý rừng phòng hộ giao lại cho địa phương đang gặp khó khăn vì địa phương chưa thể giao lại cho người dân. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nguyên nhân là địa phương không có tiền để tổ chức đo đạc lại trước khi giao. “Hiện các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, bình quân mỗi người quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm tuần tra khoảng 1.000ha rừng, trong khi địa hình hiểm trở và phức tạp nên chưa đảm bảo, cần phải tăng cường lực lượng. Nhà nước có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng các đơn vị còn lúng túng trong việc sử dụng kinh phí này để tăng cường lực lượng bảo vệ rừng. UBND huyện Sông Hinh đã đề nghị tỉnh có hướng dẫn sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng để tăng cường, bổ sung lực lượng, phương tiện”, ông Dạn nói. Còn ông Phan Văn Đoan kiến nghị: Tỉnh cần cấp kinh phí để xây dựng hệ thống mốc ranh giới đối với các khu rừng; thực hiện hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho UBND cấp xã có quản lý rừng theo quy định. UBND tỉnh cũng cần xem xét, bố trí biên chế cho lực lượng kiểm lâm theo Quyết định 07 ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên cho biết thêm: Sở NN-PTNT đã đưa ra một số giải pháp đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, sản phẩm gỗ qua chế biến, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Sở tiếp tục rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại ba loại rừng; rà soát lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân nhưng không trồng rừng, sử dụng sai mục đích để đề xuất hướng xử lý. Sở cũng đề nghị các địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, từng bước khôi phục diện tích rừng đã bị mất. Các đơn vị và địa phương liên quan cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư sống gần rừng. Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công nghệ, trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng, phát triển các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc giao rừng và đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống chủ yếu bằng nghề rừng, giải quyết đất sản xuất và hỗ trợ ổn định cuộc sống đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ dân sống gần rừng.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek