Hiện trên địa bàn tỉnh có 35 trường hợp tàu cá của ngư dân gặp sự cố trên biển nhưng chưa được chi trả bảo hiểm do vướng điều khoản loại trừ. Theo Công ty Bảo Minh Phú Yên - đơn vị nhận bảo hiểm, các tàu này được phép hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn an toàn không quá 50 hải lý nhưng nơi xảy ra sự cố nằm ngoài phạm vi cho phép nên doanh nghiệp đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên để giải quyết.
Tàu hoạt động ngoài phạm vi cho phép
Khoảng 9 giờ 30 ngày 17/8/2016, tàu cá PY-97759TS của ông Nguyễn Xẹo ở thôn 2, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An bị sự cố chìm tàu tại vị trí 13,26 độ vĩ bắc, 110,43 độ kinh đông. Căn cứ giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá 00003944/ĐKTC ngày 25/7/2016 được gia hạn đến ngày 27/7/2017 thì tàu PY-97759TS chỉ được phép hoạt động tại vùng biển Việt Nam trong vùng hạn chế II (vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý). “Tuy nhiên, qua xác minh, vị trí tàu chìm lại cách bờ khoảng 80 hải lý. Trường hợp này thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm vì tàu cá PY-97759TS đã hoạt động ngoài phạm vi quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ngoài phạm vi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá - PV). Do đó, mặc dù đã có đầy đủ hồ sơ xác định thiệt hại của tàu này nhưng Công ty Bảo Minh Phú Yên vẫn chưa thể chi trả bồi thường bảo hiểm cho ngư dân”, ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, cho biết.
Ngoài trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Xẹo, theo ông Khoa, hiện trên địa bàn tỉnh còn có 34 trường hợp tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 bị sự cố nhưng vướng quy định điều khoản loại trừ “vùng hạn chế II” nên chưa được chi trả bảo hiểm. Với những trường hợp này, Công ty Bảo Minh Phú Yên cũng chưa có thông báo từ chối chi trả bảo hiểm mà vẫn chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để có hướng giải quyết thỏa đáng cho ngư dân.
“Trong năm 2016, Công ty Bảo Minh Phú Yên đã nhận bảo hiểm cho 607 tàu cá cùng hơn 4.500 thuyền viên với tổng phí gần 13,4 tỉ đồng, trong đó Nhà nước đã hỗ trợ hơn 10,1 tỉ đồng. Với trọng trách được giao là thực hiện bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn quán triệt cán bộ, nhân viên phải làm việc có trách nhiệm, không chỉ để đảm bảo quyền lợi của ngư dân mà còn để khẳng định thương hiệu, uy tín bấy lâu của doanh nghiệp. Và thực tế, năm qua, công ty cũng đã chi trả gần 2,2 tỉ đồng tiền bồi thường cho 107 trường hợp tàu cá gặp sự cố. Do đó, khi gặp vướng mắc liên quan đến quy định về vùng hạn chế II, chúng tôi rất bối rối. Vấn đề này, đại diện Công ty Bảo Minh Phú Yên đã trình bày tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 67 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối năm 2016 nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, chúng tôi tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ vướng mắc này. Nếu cơ quan chức năng khẳng định ngư dân không sai, chúng tôi sẵn sàng chi trả bảo hiểm”, ông Khoa nói.
Đề xuất bỏ quy định về vùng hạn chế
Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, hơn 10 năm nay, các tàu cá trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7111:2002 về quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển cỡ nhỏ. Tiêu chuẩn này do Bộ KH-CN ban hành vào năm 2002, gồm nhiều tiêu chuẩn nhỏ liên quan đến kết cấu thân tàu, trang thiết bị, hệ thống máy tàu, mạn khô...; áp dụng cho các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở xuống. Tiêu chuẩn này cũng quy định 3 vùng hạn chế hoạt động gồm vùng hạn chế I: cho phép tàu hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 200 hải lý, vùng hạn chế II: không quá 50 hải lý, vùng hạn chế III: không quá 20 hải lý. “Việc xác định vùng hạn chế hoạt động không phụ thuộc vào công suất mà phụ thuộc hoàn toàn vào hồ sơ thiết kế tàu cá. Do đó, hiện hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đều thuộc vùng hạn chế II, một số tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 mới đây cũng chỉ thuộc vùng hạn chế I”, ông Đào Quang Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết.
Trong khi đó, theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) thì lâu nay, ngư dân không hề biết quy định về vùng hạn chế hoạt động của tàu cá. Mỗi khi ra khơi, hầu hết bà con đều cho tàu cá hoạt động cách bờ vài trăm hải lý. Những năm gần đây, Chính phủ cũng luôn khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ nên việc bà con vươn khơi đánh bắt ở vùng biển xa (hơn 200 hải lý - PV) như vậy là hoàn toàn hợp lý. “Vì vậy, khi biết tàu bị quy định về vùng hạn chế hoạt động, chúng tôi rất bất ngờ. Bất ngờ nhất là vì điều này mà khi tàu xảy ra sự cố, ngư dân có thể không được chi trả bảo hiểm. Nếu đúng như vậy thì quá thiệt thòi cho bà con. Theo tôi, Nhà nước cần bỏ quy định vùng hạn chế hoạt động mà thay vào đó nên quy định là ngư dân được phép đánh bắt trong vùng biển Việt Nam sẽ phù hợp với thực tế hơn”, ông Thuẩn nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Anh Khoa cho hay: Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho kéo dài thời gian triển khai Nghị định 67 đến hết năm 2017. Tuy nhiên, những quy định về bảo hiểm vẫn chưa có gì thay đổi và không biết tình hình sắp tới như thế nào. Do đó, trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, Công ty Bảo Minh Phú Yên đã đề xuất tổng công ty cho phép tiếp tục bảo hiểm tàu cá với quy định mở rộng vùng hoạt động trên toàn vùng biển Việt Nam cho các tàu cá tham gia bảo hiểm. Dự kiến, công ty sẽ thu thêm 10% phí bảo hiểm nếu thực hiện điều này.
LÊ HẢO