Thứ Năm, 09/01/2025 23:35 CH
Hiệu quả từ một đề án
Thứ Ba, 10/01/2017 14:00 CH

Những mô hình luân canh sắn, đậu phộng, bắp đang mang lại hiểu quả kinh tế cao cho người dân - Ảnh: HOÀI NAM

Đề án Xây dựng mô hình thích ứng với ngập lụt trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sông Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) đã giúp người dân sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ghi nhận những thành tích này, Ban Quản lý đề án (BQL) đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. 

 

Thành công lớn nhất của đề án Xây dựng mô hình thích ứng với ngập lụt trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sông Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) là từng bước thay đổi thói quen canh tác cũ của bà con, hình thành nhận thức mới về nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Ông Huỳnh Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, Trưởng BQL, cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở vùng đất ven sông Kỳ Lộ gắn chặt với đời sống của nông dân ở huyện Đồng Xuân. Biến đổi khí hậu dẫn tới ngập lụt gia tăng, hạn hán kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực của địa phương. Với chủ trương sống chung với những bất thường của thời tiết, BQL đã đưa ra giải pháp chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang các cây trồng cạn ngắn ngày như sắn, bắp, đậu… theo hình thức xen canh, xen vụ. Mô hình được triển khai trên diện tích 32ha ở xã Xuân Quang 2, thu hút 102 hộ dân tham gia. Mô hình được chia nhỏ thành các tiểu mô hình; cụ thể như đậu xanh xen sắn tại thôn Phú Sơn, đậu phộng xen sắn tại thôn Triêm Đức và thôn Phú Sơn, đậu phộng vụ đông xuân, bắp lai vụ hè thu và bắp vụ thu đông. 

 

Để triển khai đề án, BQL đã tổ chức 9 lớp tập huấn, 8 hội nghị đầu bờ thu hút 765 người trong huyện tham gia, giúp các hộ nắm được kỹ thuật. Chị Huỳnh Thị Minh Thảnh ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, cho biết: Ngày trước, tôi canh tác theo kiểu mọi người làm mình làm theo, hay thương lái tới hỏi mua nhiều thì trồng mà không quan tâm đến thời tiết, thị trường, nên hiện tượng mất mùa xảy ra thường xuyên. Tham gia mô hình, tôi được học cách trồng xen 2-3 hàng đậu xanh giữa 2 hàng sắn, xen 4-5 hàng đậu phộng giữa 2 hàng sắn. Mật độ trồng sắn cũng khác, ngoài trồng hom đơn (1 hom trong 1 hốc), còn có thể trồng hom đôi (2 hom trong 1 hốc). Ngoài ra, tôi cũng hiểu được tác hại của biến đổi khí hậu, những nguyên nhân gây ra nên tôi đã tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách bón phân, thuốc hóa học hợp lý.

 

Theo Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, giai đoạn 1 (2010-2013), mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Xuân Quang 2 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng lãi ròng của các tiểu mô hình hơn 1,7 tỉ đồng/năm, trong đó lãi mô hình luân canh 65 triệu đồng/ha/năm, đậu phộng xen sắn 30-43 triệu đồng/ha/năm, đậu xanh xen sắn 21-40 triệu đồng/ha/năm. Ông Tạ Phan Thế Dũng ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, cho biết tham gia mô hình với diện tích 9.000m2, từ chỗ sản xuất bấp bênh, đủ trang trải sinh hoạt cơ bản, đến nay gia đình ông đã có thu nhập ổn định với lãi hơn 90 triệu đồng/năm.

 

Từ năm 2014-2015, trong thời gian đề án bị ngắt quãng, các mô hình sản xuất chống biến đổi khí hậu vẫn được nhân rộng và lan tỏa sang các xã khác trên địa bàn huyện. Anh Hồ Minh Hùng ở xã Xuân Quang 3, chia sẻ: Những mô hình sản xuất của các hộ dân ở xã Xuân Quang 2 mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã tới học hỏi. Về áp dụng cho 1ha của gia đình mình, ban đầu chúng tôi thu lãi 50 triệu đồng/năm, nay lãi đã tăng lên 80 triệu đồng/năm.

 

Theo ông Huỳnh Văn Xuân, dự án thử nghiệm các mô hình canh tác phù hợp với vùng đất ven sông, giúp nông dân canh tác sắn, bắp, đậu phộng… tăng khả năng thích ứng với vùng ngập lụt, góp phần giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế trên một diện tích. Những kết quả trên là cơ sở để đề án tiếp tục được tài trợ triển khai giai đoạn 2 (từ năm 2016-2018), với chủ đề chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho cộng đồng vùng đất dốc và đất ngập lụt ven sông Kỳ Lộ trong điều kiện tác động bất lợi của thoái hóa đất do biến đổi khí hậu. Theo đó, đề án được mở rộng ra cả xã Xuân Quang 3. Đến nay, đề án đã triển khai 3 mô hình gồm đậu phộng xen bắp lai trên diện tích 30ha ở xã Xuân Quang 2, mô hình đậu phộng xen sắn với diện tích 29.600m2 tại xã Xuân Quang 3, trồng cỏ nuôi bò trên 39.500m2 và mô hình nông lâm kết hợp trên đất gò đồi trên 40.000m2 ở 2 xã trên.

 

Theo BQL, từ nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam (Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam GES-SGP), Hội Nông dân huyện Đồng Xuân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng, trong đó giai đoạn đầu của đề án triển khai từ năm 2010-2013 với kinh phí gần 1,8 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 4,2 tỉ đồng. Ghi nhận những thành tích này, BQL đã được UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016.

 

 MINH DUYÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek