Những năm qua, hoạt động tín dụng nội bộ (TDNB) ở các hợp tác xã (HTX) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc cung ứng một phần vốn cho các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, hiện phần lớn HTX có hoạt động TDNB đều gặp khó về nguồn vốn nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay của thành viên. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và triển khai hoạt động ủy thác cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua hoạt động TDNB tại HTX là một giải pháp cấp thiết.
Theo Thông tư 15/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về TDNB HTX, TDNB là một hoạt động phụ trợ trong HTX, do tập thể thành viên của HTX tự nguyện tham gia và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Mức cho vay tối đa đối với một thành viên áp dụng trong từng thời kỳ do đại hội thành viên quyết định, nhưng tối đa bằng 5% số vốn điều lệ bằng tiền của HTX được sử dụng để hoạt động TDNB. Thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống); trường hợp đặc biệt có thể cho vay trung hạn (từ trên 12-36 tháng), nhưng dư nợ cho vay trung hạn tối đa bằng 20% tổng dư nợ cho vay. Lãi suất cho vay, lãi suất huy động vốn của thành viên do đại hội thành viên quyết định nhưng không vượt quá lãi suất cho vay và lãi suất huy động cùng loại, cùng thời điểm và cùng kỳ hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nơi HTX đóng trụ sở chính. |
Do đặc thù phần lớn thành viên HTX là hộ thuần nông, nguồn vốn hạn hẹp; trong khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của nhiều hộ thành viên còn nhiều khó khăn, nên để có vốn làm ăn, họ đã vay nóng của tư thương với lãi suất khá cao. Trong bối cảnh đó, dịch vụ TDNB của HTX thật sự là một kênh cung cấp vốn quan trọng cho các hộ thành viên. Với lãi suất thấp hơn hoặc bằng lãi suất NHTM, TDNB đã phần nào đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ, góp phần cải thiện đời sống nông dân; đồng thời huy động tiền gửi nhàn rỗi của thành viên để bổ sung vào nguồn vốn của HTX. Ngoài ra, sự phát triển của dịch vụ TDNB cũng tạo sự gắn kết chặt chẽ, gây dựng lòng tin của thành viên với HTX.
Hoạt động tín dụng nội bộ còn hạn chế
Vai trò của TDNB đối với hoạt động của HTX và thành viên là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ TDNB trong các HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Theo Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 1.200/11.000 HTX nông nghiệp (chiếm khoảng 11%) có dịch vụ TDNB, với dư nợ cho vay trung bình khoảng 400 triệu đồng/HTX. Quy mô TDNB của một số HTX còn hạn chế khiến nhiều thành viên vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn TDNB. Bên cạnh đó, nhiều HTX quản lý hoạt động TDNB chưa thật sự hiệu quả, làm tỉ lệ nợ xấu gia tăng. Một số trường hợp gây thất thoát vốn, làm giảm lòng tin của thành viên.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy sự hạn chế trong hoạt động TDNB của các HTX nông nghiệp một phần là do nhiều HTX không thể đáp ứng đủ điều kiện triển khai hoạt động TDNB. Bản thân một số HTX đang thực hiện hoạt động TDNB cũng thiếu hoặc vi phạm một số điều kiện theo quy định nên tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động TDNB. Bên cạnh đó, việc mở rộng nguồn vốn cho hoạt động TDNB của HTX bị ràng buộc bởi quy định của Thông tư 15/VBHN-NHNN, cụ thể là phụ thuộc vào nguồn vốn điều lệ bằng tiền tại HTX (tối đa 50% vốn điều lệ bằng tiền, vốn huy động từ thành viên tối đa bằng 30% vốn điều lệ bằng tiền). Trong khi đó, quy mô vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp hiện nay rất thấp, khả năng huy động vốn góp của các thành viên lại hạn chế. Ngoài ra, tại một số HTX nông nghiệp, việc huy động tiền gửi của thành viên rất khó khăn, HTX chỉ dùng nguồn vốn điều lệ và tích lũy trong quá trình kinh doanh để phục vụ hoạt động TDNB. Việc quy định lãi suất cho vay, lãi suất huy động trong hoạt động TDNB không vượt quá lãi suất cho vay và lãi suất huy động cùng loại, cùng thời điểm và cùng kỳ hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng gây khó khăn không nhỏ trong hoạt động TDNB khi các yếu tố như: lòng tin, trình độ quản lý, công nghệ… của HTX còn kém xa các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn. Ngoài ra, việc phần lớn cán bộ HTX trực tiếp tham gia hoạt động TDNB chưa được tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ TDNB hoặc chỉ được tập huấn để đáp ứng các điều kiện về pháp lý trong hoạt động TDNB chứ chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ tín dụng như: thẩm định phương án vay vốn, quản lý và xử lý nợ có vấn đề, quản trị rủi ro tín dụng… có thể xem là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chất lượng tín dụng yếu kém trong hoạt động TDNB tại các HTX nông nghiệp hiện nay.
Ba bên cùng có lợi
Với những khó khăn trong việc tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành viên, cũng như những hạn chế về quy mô nguồn vốn cho vay của dịch vụ TDNB trong các HTX nông nghiệp hiện nay, việc các NHTM thực hiện ủy thác cho vay đối với các HTX nông nghiệp có dịch vụ TDNB thật sự là giải pháp có thể phát huy hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên liên quan.
Trong đó, thành viên HTX được đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khan hiếm nguồn vốn tín dụng chính thức tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn. Thông qua nguồn vốn ủy thác, các thành viên còn có thể vay vốn để phục vụ cho nhiều nhu cầu tài chính cấp thiết trong đời sống như: tiêu dùng, sửa chữa nhà ở… để nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó góp phần giảm tình trạng cho vay nặng lãi tại địa phương. Giá trị món vay cũng sẽ được tăng lên đáng kể chứ không chỉ bị giới hạn theo hạn mức tối đa 5% trên số vốn điều lệ bằng tiền của HTX được sử dụng để hoạt động TDNB, vì vậy có thể đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu vốn hợp lý của thành viên HTX.
Đối các HTX nông nghiệp (bên nhận ủy thác), giải pháp này sẽ khắc phục được hạn chế về nguồn vốn trong hoạt động TDNB một cách nhanh chóng. Thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay, các HTX sẽ gia tăng quy mô nguồn vốn cho vay, từ đó có điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu vay vốn của các thành viên. HTX cũng đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, bao gồm cho vay sản xuất, kinh doanh và cho vay tiêu dùng; đồng thời đa dạng hóa các đối tượng cho vay, không chỉ thành viên HTX mà còn có cả các đối tượng khách hàng khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, HTX còn được hưởng phí ủy thác, được tập huấn và tiếp cận công nghệ cho vay, quản trị rủi ro của các NHTM (bên ủy thác). Đây là yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động TDNB của HTX.
Về phía các NHTM, việc ủy thác cho vay thông qua hoạt động TDNB của HTX sẽ giúp các NHTM có thêm kênh chuyển tải vốn đến khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hình thức cho vay này giúp các NHTM giảm thiểu các chi phí đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quản lý khoản vay… nếu so sánh với việc cho vay trực tiếp hoặc NHTM phải mở thêm phòng giao dịch, điểm giao dịch. Với ưu thế am hiểu thành viên, địa bàn, HTX sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với các NHTM trong việc hiểu rõ thông tin khách hàng vay vốn để có quyết định cho vay đúng đối tượng; đồng thời quá trình giám sát, quản lý chất lượng khoản vay cũng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, hoạt động ủy thác vốn cho HTX cho vay cũng tạo tiền đề để các NHTM xây dựng hình ảnh, thương hiệu, thậm chí là điểm giao dịch tại các địa bàn mới, đặc biệt là ở nông thôn khi mà việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân còn nhiều hạn chế.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Việc các NHTM ủy thác cho vay thông qua hoạt động TDNB tại các HTX nông nghiệp có thể xem là một giải pháp giúp khơi thông nguồn vốn cho hoạt động TDNB của HTX nói chung và của các thành viên nói riêng. Tuy nhiên để thực hiện thành công hướng đi này đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước và Liên minh HTX các tỉnh cần làm cầu nối cho các NHTM và HTX nông nghiệp trên địa bàn trong việc triển khai hoạt động ủy thác cho vay. Trước hết cần làm rõ cơ sở pháp lý và tính hiệu quả của hoạt động ủy thác cho vay thông qua dịch vụ TDNB của HTX nhằm tạo tâm lý an tâm và khuyến khích các NHTM nhanh chóng triển khai hoạt động ủy thác cho vay. Liên minh HTX cần làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các HTX nông nghiệp trên địa bàn về việc thực hiện ủy thác cho vay qua hoạt động TDNB, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để cung cấp thông tin đến các NHTM trên địa bàn.
Về phần mình, các NHTM cần lựa chọn một số HTX nông nghiệp đang thực hiện hiệu quả hoạt động TDNB, nhưng vẫn có nhu cầu mở rộng nguồn vốn cho vay để triển khai thí điểm hoạt động ủy thác cho vay; từng bước rút kinh nghiệm và hoàn thiện mô hình cho vay ủy thác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, NHTM sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay ủy thác đến các HTX nông nghiệp khác. Trước khi triển khai hoạt động ủy thác cho vay, các NHTM cần làm tốt việc tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TDNB tại HTX; đồng thời hỗ trợ các HTX trong việc trang bị cơ sở vật chất thiết yếu để đảm bảo hiệu quả trong việc cho vay từ nguồn vốn ủy thác của NHTM. Hơn thế nữa, các bên liên quan cần tiến đến sự chuẩn hóa, liên thông trong quy trình cho vay, thủ tục cho vay, phần mềm quản lý… tại các HTX phù hợp với hoạt động của ngân hàng ủy thác để nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp và quản lý nguồn vốn ủy thác giữa hai bên.
ThS TRẦN THANH LONG
Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên