Năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 175,9 tỉ USD, còn nhập khẩu ước đạt 173,3 tỉ USD. Cả năm nay, nước ta xuất siêu 2,68 tỉ USD.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 175,9 tỉ USD, còn nhập khẩu ước đạt 173,3 tỉ USD. Cả năm nay, nước ta xuất siêu 2,68 tỉ USD.
Xuất khẩu vẫn tăng khá
Phân tích cụ thể về tình hình xuất - nhập khẩu năm 2016, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng 8,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50,0 tỉ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỉ USD, tăng 10,2% (nếu không kể dầu thô, xuất khẩu đạt 123,5 tỉ USD, tăng 11,8%).
Ông Lâm cho rằng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 179,2 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỉ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng so với năm trước, như: điện thoại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép... Còn xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với năm trước.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay thay đổi không đáng kể so với năm trước, trong đó nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 79,8 tỉ USD, tăng 8,9% và chiếm 45,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015). Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 38,1 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2015.
Về sự cố điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung, cơ quan thống kê quốc gia nhận định, sự cố này không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện nói riêng do Samsung đã ra các dòng sản phẩm khác để bù đắp. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỉ USD, tăng 14,4% so với năm 2015 (năm 2015 đạt 30,2 tỉ USD, tăng 28% so với năm trước). Tuy nhiên, dự báo mức tăng trưởng của nhóm hàng này sẽ chậm dần trong các năm tới.
Đối với tác động của sự kiện Brexit đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Trong khối EU, Anh là đối tác thương mại đứng thứ 3 về xuất khẩu của Việt Nam (sau Đức và Hà Lan) với tỉ trọng chiếm khoảng 13%-15% tổng kim ngạch xuất khẩu với EU. Về nhập khẩu, Anh đứng thứ 4 (sau Đức, Pháp và Ý), chiếm khoảng 7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU. Thị trường Anh chỉ chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Anh. Đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo Hiệp ước, nước Anh cần 2 năm để tiến hành các thủ tục chính thức cho việc rời khỏi EU. Trong năm 2016 sự kiện Brexit hầu như không có tác động trực tiếp đến luồng hàng hóa giao dịch giữa 2 quốc gia.
Nhìn chung, về thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với 38,1 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỉ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỉ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 14,6 tỉ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỉ USD, tăng 29%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỉ USD, giảm 4,8%.
Trung Quốc vẫn dẫn đầu các thị trường Việt nhập khẩu
Năm 2016, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,3 tỉ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỉ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỉ USD, tăng 5,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với năm trước, như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 28,1 tỉ USD, tăng 1,8%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 27,8 tỉ USD, tăng 20,1%...
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm 2015, như: điện thoại và linh kiện, xăng dầu, ôtô… Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2016, lớn nhất là nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 157,9 tỉ USD, tăng 4,4% so với năm 2015 và chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 49,8 tỉ USD, tăng 0,5% so với năm 2015. Tính chung cả năm 2016, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỉ USD.
Theo VOV