Thứ Bảy, 11/01/2025 13:57 CH
Hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm ở vùng dân tộc miền núi:
Chính sách hợp lòng dân
Thứ Năm, 29/12/2016 10:00 SA

Nhờ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề dệt thổ cẩm, duy trì nghề truyền thống - Ảnh: HẢI PHÒNG

Các trung tâm dạy nghề được trang bị cơ sở vật chất, người lao động được đào tạo nghề miễn phí và có việc làm sau khi học. Những chính sách này góp phần tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2017, cùng với việc thực hiện các chính sách khác cho vùng dân tộc miền núi của tỉnh, đơn vị này chú trọng tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành liên quan trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đào tạo chú trọng vào nghề sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời mở rộng các ngành nghề khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và các nghề thủ công là thế mạnh của vùng đồng bào. Trong giải quyết việc làm, các ngành chức năng cần mở nhiều phiên giao dịch việc làm tại các xã, huyện miền núi, tạo điều kiện để người lao động nắm bắt được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị…

Hiện tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh đều có trung tâm dạy nghề với cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt việc dạy và học các ngành như điện dân dụng, gò, hàn, nề, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, may mặc, dệt thổ cẩm truyền thống, kỹ thuật khai thác mủ cao su… Ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Ngoài trung tâm dạy nghề, trên địa bàn huyện còn có Trường trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là cơ sở giúp thanh niên dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng nghề, học hỏi thêm nghề mới nhằm mở rộng cơ hội tiềm kiếm việc làm. Tháng 11 vừa qua, trường này đã tổ chức khai giảng năm học 2016-2017 với 31 lớp cho 812 học sinh học các nghề may, điện dân dụng…

 

Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong năm 2016, vùng dân tộc miền núi của Phú Yên có hàng trăm lao động được đào tạo nghề; trong đó chủ yếu là các nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp truyền thống tại địa phương như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, sắn…, nuôi và phòng bệnh cho trâu bò. Ngoài ra, người học còn được học mở rộng các nghề như nấu ăn, cắt may, phục vụ nhà hàng…

 

Y Dóc ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước đây, mình làm rẫy theo kinh nghiệm cha truyền con nối nên được mùa mất mùa đều đổ cả cho thời tiết. Giờ mình được đi học để biết cách chọn giống mía, sắn, chia hàng trồng, rồi tưới nước, bón phân hợp lý, nên sản lượng cây trồng tăng, thu nhập gia đình cũng tăng.

 

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp UBND huyện Đồng Xuân hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho thanh niên dân tộc thiểu số tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, mở ra cơ hội phát triển du lịch vùng miền núi này. Theo chị So Thị Mai, người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, thì trang phục dân tộc giờ chỉ mặc ngày lễ tết nên thanh niên trong thôn không mấy quan tâm. Khi thôn Xí Thoại làm du lịch, sản phẩm thổ cẩm truyền thống trở thành mặt hàng được ưa chuộng, Mai mới tham gia học để có nghề, vừa có thu nhập vừa giữ gìn được văn hóa của dân tộc mình.

 

Không chỉ được đào tạo nghề, người học còn được tạo cơ hội tìm việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm do Sở LĐ- TB-XH phối hợp với địa phương tổ chức.

 

Theo Sở LĐ-TB-XH, mỗi năm, toàn tỉnh có 900 lao động vùng nông thôn dân tộc miền núi được học nghề nông nghiệp, với 350 học sinh là người dân tộc thiểu số nghèo. Hàng năm, vùng này có khoảng 2.500-3.000 lao động có việc làm. Các phiên giao dịch việc làm tổ chức ở các cụm xã của các huyện miền núi cũng đã thu hút hàng nghìn lao động tới tìm việc, trong đó có 500 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và có từ 60-150 lao động tìm được việc làm. Ngoài ra, người lao động còn được nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để lựa chọn môi trường và công việc phù hợp với chuyên môn, điều kiện của bản thân. Người lao động cũng được tiếp cận với các chế độ chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ khi làm việc tại các công ty.

 

HẢI PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek