Chủ Nhật, 12/01/2025 21:00 CH
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát
Thứ Bảy, 17/12/2016 16:52 CH

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà phát biểu tại đầu cầu Phú Yên

Sáng 17/12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với 9 địa phương trọng điểm bị thiên tai, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những nơi hứng chịu đợt hạn hán lịch sử kéo dài đầu năm, đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, bất thường và kéo dài. Mưa lớn đã làm lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đặc biệt, đợt mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương;  hơn 316.000 nhà bị ngập, hư hại; hơn 42.800ha lúa, 39.00 ha hoa màu bị ngập hư hại; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính trên 8.570 tỉ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí là trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD). Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12-16/12 đã làm 15 người chết, mất tích.

 

Thay mặt UBND tỉnh Phú Yên, đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo tình hình mưa lũ và thiệt hại xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong các ngày từ 12-17/12 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, lượng mưa lên tới 324-748mm; các hồ thủy điện trên địa bàn phải vận hành điều tiết nước theo quy trình, mực nước các sông lên nhanh, đạt đỉnh trên mức báo động cấp 3; có 5/9 huyện, thị xã bị ngập trên diện rộng, đặc biệt có 2 huyện và một số xã bị chia cắt hoàn toàn. Về thiệt hại, có 6 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước, hàng trăm ngôi nhà bị sập, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; đã có hơn 2,9ha diện tích hồ tôm, ốc bị ngập, sạt lở, gần 1.000ha lúa vụ mùa bị ngập, trên 1.100ha hoa màu, cây trồng lâu năm bị thiệt hại; các công trình giao thông, đường sá, cầu cống, công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, đặc biệt tuyến quốc lộ 1 qua đèo Cả bị sạt lở nghiêm trọng và gây ách tắc giao thông kéo dài 5 giờ và được thông tuyến vào lúc 8 giờ ngày 16/12; đường sắt cũng bị tắc nghẽn tại ga Hảo Sơn, đường hàng không phải hủy lịch trình 3 chuyến bay… Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 50 tỉ đồng (hiện nay còn một số nơi bị ngập sâu chưa thống kê). Đồng chí Hoàng Văn Trà đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét chỉ đạo nghiên cứu quy trình vận hành liên hồ trên sông Ba cho phù hợp với tình hình thực tế địa bàn, khi vận hành các hồ đập trên cùng lưu vực sông Ba phía thượng nguồn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, các cơ quan quản lý, thẩm quyền xả lũ, các hồ đập khi xả lũ phải cung cấp thông tin đầy đủ cho các tỉnh, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng để thực hiện tốt việc điều tiết trên vùng hạ lưu sông Ba. Cơ quan dự báo Khí tượng thủy văn cung cấp đồng thời lượng mưa thượng nguồn và mực nước triều cường để điều tiết xả lũ cho phù hợp, đồng thời cho đầu tư xây dựng thêm các trạm quan trắc trên sông Ba. Cho Phú Yên và các tỉnh trong khu vực rà soát, lập dự án đầu tư (có thể từ nguồn vốn ODA, vay WB…) để đầu tư hệ thống thoát lũ ngang, nhằm khắc phục các điểm nghẽn trong thoát lũ trên các trục giao thông để hạn chế tình trạng bị mưa lũ làm chia cắt, ngập lâu và sâu tại các địa phương. Chỉ đạo các nhà mạng di động phối hợp các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin về tình hình, dự báo mưa lũ cũng như hướng dẫn, cảnh báo, lưu ý người dân vùng bị ảnh hưởng qua tin nhắn. Sớm giải quyết hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện phục vụ PCLB-TKCN, kinh phí hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khắc phục các công trình giao thông, có chính sách giãn nợ đối với các hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại…

 

Đến trưa 17/12, nước lũ vẫn chia cắt 230 hộ dân thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa - Ảnh: MINH HUYỀN

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào và chính quyền các địa phương vùng bị ngập lũ. Thủ tướng cũng biểu dương sự cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương vùng bị thiên tai cũng như các lực lượng chức năng như: Quân đội, Công an, Hội Chữ thập đỏ đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vùng bị thiên tai thực hiện 9 nội dung cần làm. Thủ tướng nêu rõ: Bây giờ nước chưa rút hẳn ở nhiều nơi, nên việc thứ nhất là ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp tục xảy ra. Đặc biệt là bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo vệ tốt di sản văn hóa ở các địa phương. Cần tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh xảy ra. Các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão ở Trung ương và địa phương phải huy động các lực lượng như đoàn viên, thanh niên, hội viên ở những vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ vùng thiên tai nặng, giúp người dân dựng lại nhà cửa, không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Tập trung phục hồi cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông đi lại bình thường. Phục hồi sản xuất, chuẩn bị cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và các điều kiện cho vụ đông xuân mới để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân năm 2017. Các bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ được giao, trực tiếp xuống hỗ trợ địa phương, người dân. Từng ngành liên quan như Y tế, Giáo dục – Đào tạo, Giao thông – Vận tải, Kế hoạch – Đầu tư, Công an, Quân đội… có kế hoạch hỗ trợ các địa phương. Từng tỉnh, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần không để người dân phải chờ đợi. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nêu gương người tốt, việc tốt, địa phương làm tốt để động viên nhân dân chủ động khắc phục khó khăn và vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Từ tình hình mưa lũ, các địa phương phải bảo vệ, phát triển rừng, nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên; các địa phương cần kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và trồng rừng theo đúng kế hoạch. Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao năng lực cộng đồng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống mưa lũ.

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lưu ý các đại phương, trong 2 - 3 ngày tới, mưa sẽ giảm trên hầu khắp các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, ngày 20/12, mưa lại có nguy cơ tăng ở các tỉnh từ Quảng Trị tới Khánh Hòa, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-150mm, không loại trừ khả năng các tỉnh khu vực này phải hứng chịu một đợt mưa lũ mới. Vì vậy, các địa phương bên cạnh việc khắc phục hậu quả mưa lũ, cần chủ động ứng phó, không được lơ là, chủ quan và duy trì trực ban 24/24. Đồng thời thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek