Vùng miền núi của tỉnh, thu nhập người dân không cao, điều kiện tự nhiên khó khăn nên việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới còn hạn chế. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2011-2015 thì đến cuối năm nay, số xã miền núi cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí đã tăng lên, tạo nên sự đổi thay nhất định cho vùng nông thôn miền núi.
Nỗ lực vượt bậc
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, giai đoạn 2011-2015, vùng miền núi Phú Yên có 2 xã cán đích NTM là Sơn Giang, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh). Cuối năm 2016, vùng này có thêm 5 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM.
Những huyện miền núi có một xã duy nhất cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM là xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) và xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết: Sơn Hà là xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM. Đến cuối năm 2015, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí. Đầu năm 2016, do những quy định mới về tiêu chí hộ nghèo và nhà ở dân cư nên xã chỉ đạt 17/19. Cụ thể, với chuẩn nghèo cũ, cuối năm 2015, xã Sơn Hà có 112 hộ nghèo, chiếm 4,9% trong tổng số hộ toàn xã và đủ điều kiện đạt chuẩn NTM nhưng theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 thì số hộ nghèo của xã lên tới 233 hộ, chiếm hơn 10% và tiêu chí hộ nghèo không đạt. Đồng thời, xã còn 15 nhà ở chưa đủ 3 cứng (cứng mái, nền, tường) theo tiêu chuẩn mới của Bộ Xây dựng. Để khắc phục, trong năm 2016, xã Sơn Hà huy động nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, các đơn vị doanh nghiệp cùng toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc. Đến tháng 9, xã đã xóa hết nhà tạm, giảm hộ nghèo xuống còn 119 hộ, chiếm khoảng 4,6% tổng số hộ toàn xã. Như vậy đến nay, xã Sơn Hà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Đối với 2 xã Sơn Giang, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) tuy đã là xã NTM nhưng với những tiêu chuẩn mới của các tiêu chí, 2 xã này phải nỗ lực để giữ vững thành tích. Theo UBND xã Sơn Giang, để giải quyết những khó khăn trên, Đảng ủy và chính quyền xã chọn cách nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ. Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trong khi diện tích gieo trồng hàng năm cơ bản không đổi thì muốn nông sản trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường, con người chỉ có thể dựa vào khoa học kỹ thuật. Với suy nghĩ đó, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng NN-PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh… tổ chức các lớp tập huấn về trồng lúa, mía, nuôi bò nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác và chăn nuôi cho các hộ dân. Bên cạnh đó, xã cũng vận động người dân đầu tư máy móc, sử dụng các bộ giống cấp xác nhận, nguyên chủng vào gieo trồng; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Đồng hành cùng người dân, xã vận động Nhà máy tinh bột sắn Fococev Sông Hinh và Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đầu tư giống mới, phân bón và thu mua với giá cao cho nông dân.
Đổi thay vùng miền núi
Từ một xã đặc biệt khó khăn phải nhận trợ giúp từ ngân sách, xã Ea Ly của huyện Sông Hinh đã có những đổi thay trong quá trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Đình Sao, người dân tộc Tày ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly, nay đã 60 tuổi, có gần 40 năm gắn bó với mảnh đất này. Ông Sao chia sẻ: 5 năm qua, đặc biệt khi quốc lộ 29 chạy qua địa bàn xã được nâng cấp, mở rộng thì xã Ea Ly đổi thay vượt bậc. Từ chỗ đường sá đi lại khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, người dân chỉ biết có cây sắn, lúa; nay đường được bê tông hóa tới từng thôn buôn, kéo theo đó nghề kinh doanh dịch vụ mở rộng. Người dân được định hướng trồng cây công nghiệp chuyên canh như tiêu, cao su, mía… cho giá trị kinh tế cao. NTM thực sự thổi luồng gió mới vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Huyện Tây Hòa có 4 xã miền núi, trong đó 2 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM, đó là Hòa Thịnh và Sơn Thành Đông. Nằm cách trung tâm huyện Tây Hòa 15km, xã Sơn Thành Đông từ nghèo khó giờ đã hình thành thị tứ khá sầm uất với các khu dân cư khép kín và những dãy nhà tầng khang trang ở trung tâm xã. Tại các thôn xóm cũng đã có vùng sản xuất chuyên canh với hơn 712ha sắn, 278ha lúa, 250ha mía, 36ha hồ tiêu và hơn 1.000ha rừng kinh tế. Bà Phạm Thị Hồng Ngát ở thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông, cho biết: Từ khi có phong trào nông thôn mới, đường thôn về nhà tôi phía trên đã sáng đèn mỗi tối, dưới dất không còn bùn lầy. Gia đình tôi cũng như mọi nhà trong xóm đã quen với việc mang rác sinh hoạt ra bãi tập trung chứ không vứt bừa bãi như trước nữa…
Theo Ban Dân tộc tỉnh, vùng miền núi của tỉnh có 45 xã thuộc 3 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi. Từ đầu năm đến nay, toàn vùng có thêm 5 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM, tăng 1 xã so với mục tiêu đề ra. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang hỗ trợ tích cực cho vùng miền núi hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống người dân. Có được kết quả này ngoài sự đồng thuận cao của các hộ đồng bào miền núi còn nhờ sự đầu tư có trọng điểm của UBND tỉnh cho vùng miền núi.
HẢI PHONG