Bản thân các hiệp định kinh tế không là thách thức hay cơ hội cho doanh nghiệp, mà tùy năng lực mà doanh nghiệp thấy cơ hội hay thách thức với mình.
Mấy năm qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, các quốc gia thành viên trở nên lo ngại “vỡ mộng” TPP.
Vấn đề đặt ra là mỗi doanh nghiệp cần ứng xử thế nào nếu điều này thành hiện thực? Không có TPP thì sẽ ảnh hưởng ra sao tới tiến trình hội nhập của quốc gia và các doanh nghiệp Việt Nam?
May xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Phú Yên - Ảnh: PV |
Đón TPP như... đi câu
Trước hết, cần nhận thức rằng, TPP hay bất kỳ hiệp định thương mại nào khác, bản thân nó, chỉ là một bộ các quy tắc, luật chơi chung cho các thành viên tham gia. Bản thân hiệp định không là thách thức, cũng không là cơ hội cho mỗi quốc gia hay doanh nghiệp. Cơ hội hay thách thức chỉ nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của “dòng chảy” thương mại, đầu tư. Tùy năng lực “bơi” của mỗi quốc gia, doanh nghiệp trong dòng chảy ấy mà họ đối mặt thách thức, thất bại hay có cơ hội và gặt hái thành công.
Bởi vì về bản chất, mỗi hiệp định chỉ là luật chơi cho một sân chơi chung được các bên tham gia hiệp định “vẽ” cho chính mình. Nhưng sân chơi đó không thể tồn tại kiểu “riêng một góc trời”, mà nó vẫn là một phần không thể tách rời của thị trường toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thì mỗi khối thị trường vận động theo một hiệp định nào đó cũng chỉ là mắt xích của chuỗi thị trường toàn cầu.
Vì thế, có thể khẳng định, TPP dù thành hiện thực hay không, tiến trình hội nhập của Việt Nam vẫn diễn ra trước hết là theo quy luật chung của toàn cầu hóa và theo cách của Việt Nam hội nhập quốc tế. Việt Nam có những kỳ vọng về lợi ích nếu TPP thành hiện thực và cũng biết chắc thị trường TPP sẽ “không chỉ toàn màu hồng”. Điều quan trọng hơn, những thách thức hay cơ hội mà TPP mang đến cho đến hôm nay, vẫn chỉ là những giả thuyết và dự báo kinh tế.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, việc 12 quốc gia (bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản) đàm phán xong Hiệp định TPP đã bước đầu tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành động thực tiễn của nhiều quốc gia cả thành viên và không phải thành viên TPP. Điều này dễ hiểu, vì rằng, thị trường TPP được xác định rất lớn, khi hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa, mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này (như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…); thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
Như thế, sức lan tỏa của TPP sẽ là rất lớn. Bản thân các quốc gia thành viên đã có những động thái cải cách nhất định để “đón sóng” TPP. Không ít quốc gia “ngoài TPP” cũng tìm cách đầu tư vào các thị trường trong TPP để đón đầu cơ hội thị trường khi TPP thành hiện thực.
Đơn cử, với Việt Nam, vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành Dệt may Việt Nam đã tăng vọt mấy năm gần đây. Dòng vốn này đến từ nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức... quốc gia ngoài TPP. Sự đón đầu này dựa trên các dự báo về lợi ích TPP mang lại (đặc biệt là nhờ những quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa gắn với ưu đãi thuế quan).
Nhưng quá trình vận động của kinh tế toàn cầu không phụ thuộc hoàn toàn vào riêng nền kinh tế của một quốc gia nào, cũng không lệ thuộc vào riêng một hiệp định thương mại, đầu tư nào đó. Kinh tế thế giới luôn là bức tranh chung đa sắc, và thị trường luôn tiềm ẩn những nguy cơ, bất trắc, khó đoán định không chỉ đến từ con người mà còn từ thiên nhiên. Nếu TPP "đổ vỡ", nó cũng chỉ là một bất trắc.Do đó, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội từ thị trường toàn cầu, suy cho cùng, như những thợ câu trên dòng chảy thương mại toàn cầu.
Thị trường không phải... ngõ cụt
Đa số các tài liệu đều phân tích cho rằng TPP đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực - nhiều hơn cả là cho Việt Nam - và việc thực thi Hiệp định TPP sẽ loại bỏ những khó khăn về chính trị nhưng mang lại những cải cách lợi ích kinh tế.
Thực tế đã có dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón cơ hội từ TPP. Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực cải cách để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong đó có phần động lực là đón TPP. Nhưng nếu TPP bị trì hoãn lâu dài hơn hoặc thậm chí không được thông qua thì việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và vật chất của không ít nhà đầu tư tại Việt Nam. Nhưng các “câu thủ” quốc tế đó đến Việt Nam giăng câu chờ hưởng lợi, nếu “vỡ mộng” chẳng qua cũng là rủi ro trước hết đến từ quyết định đầu tư của họ, và đến từ sự bất trắc của thị trường, không phải lỗi của TPP.
Còn bản thân Việt Nam, vấn đề đặt ra là, nếu TPP đổ vỡ, liệu có gây ra trạng thái “ngõ cụt” trên thị trường? Chắc chắn là không. Bởi lẽ, thị trường thế giới vận động không phải chỉ chờ TPP, ngoài TPP còn nhiều hiệp định khác. Chắc chắn tiến trình hội nhập và những cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục diễn ra nếu không có TPP. Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP, thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam có hiệp định thương mại song phương với nhiều quốc gia. Nhìn lại thực tế việc tham gia các hiệp định, từ WTO đến các hiệp định khác sẽ thấy, mỗi hiệp định có ưu và nhược điểm, có cơ sở để tạo ra cơ hội và thách thức riêng. Nhưng trong cuộc “đọ sức” trên thương trường, thắng thua của mỗi doanh nghiệp còn tùy cách lượng sức mình với từng đối thủ, tùy thời điểm “đấu”.
Vì thế, cơ hội và thách thức trên thị trường là luôn có và bình đẳng, nhưng hiện thực hóa thách thức và cơ hội ấy chắc chắn phụ thuộc vào “cách chơi” của mỗi doanh nghiệp. Và chắc chắn rằng, thị trường không phải thân hữu của riêng ai. Các thành viên tham gia thị trường sẽ luôn không ngừng sáng tạo để làm cho thị trường trở nên sôi động hơn, tìm cách giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi ích.
Chắc hẳn vì thế mà ngay khi Mỹ có tân Tổng thống, dư luận dấy lên cảnh báo nguy cơ đổ vỡ TPP. Lập tức, người ta cũng bàn nhiều đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP, gồm 10 nước trong nhóm ASEAN-10, cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand). RCEP như là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên toàn châu Á, với một danh sách các số liệu cũng ấn tượng, ví dụ như các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và khoảng 30% GDP toàn cầu.
Như thế rõ ràng thị trường sẽ không bao giờ là ngõ cụt, không quốc gia nào có thể “chơi” một mình trên thị trường quốc tế. Khi nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp có chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, không ngừng nỗ lực học hỏi, cải cách thực chất và hợp xu thế quốc tế thì sẽ ở thế chủ động hội nhập. Tất nhiên, sẽ không thể hội nhập thành công nếu cứ đi “tìm vàng” ở thị trường nước ngoài mà bỏ ngỏ thị trường nội địa.
(VOV)