Đợt mưa lũ đầu tháng 11/2016 ở Phú Yên đã làm 7 người chết, tổng thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng. Công tác đánh giá, rút kinh nghiệm sau lũ lụt đã nhận thấy một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Nhiều bài học sau đợt lũ lụt
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ thủy điện, thủy lợi, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý nếu các chủ hồ vi phạm trong vấn đề xả lũ. Phó Thủ tướng còn yêu cầu các bộ, ngành chức năng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão lũ và thiên tai, đồng thời đầu tư trang thiết bị, phương tiện phòng tránh thiên tai, TKCN phù hợp với từng khu vực, địa phương… |
Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong tháng 10 và 11/2016. Theo đó, Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong công tác ứng phó với lũ lụt. Theo UBND tỉnh, tồn tại lớn đối với đợt lũ vừa qua là vẫn còn nhiều người dân và gia súc bị mắc kẹt ở các bãi bồi trên sông Ba khi nước lũ đổ về. Mặc dù trước đó, các cấp chính quyền địa phương đã thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ đến từng thôn, xóm và người dân. Một số người dân còn chủ quan, cố bảo vệ tài sản không chịu di dời nên đã xảy ra các sự cố đáng tiếc. Đại tá Phạm Văn Hổ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Khi nước lũ từ thượng nguồn sông Ba bắt đầu đổ về, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng ứng cứu một số người dân bị kẹt ở các bãi bồi trên sông Ba. Tuy nhiên, những người này yêu cầu cứu gia súc thì họ mới chịu vào bờ. Lũ càng lúc càng dâng cao, lực lượng cứu hộ buộc phải dùng các biện pháp để đưa những người dân này vào bờ an toàn. Khi triển khai các đợt cứu hộ tiếp theo, số người được đưa vào bờ quay trở lại bãi bồi vì tiếc tài sản. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn trước mùa mưa bão.
Trong đợt lũ lụt này, các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành theo quy trình liên hồ cũng góp phần giảm đỉnh lũ, thay đổi thời điểm lũ đạt đỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành xả lũ đợt này đã phát sinh một số bất cập, tồn tại. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trần Hữu Thế, theo quy định, khi mực nước tại Trạm thủy văn Phú Lâm dưới báo động II thì vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ, hạ dần mực nước hồ để đón lũ (mực nước đón lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 102m, hồ thủy điện Krông H’Năng là 251,5m). Thực tế, khi các thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’Năng bắt đầu xả lũ lúc 3 giờ 15 ngày 3/11, mực nước tại trạm Phú Lâm dưới báo động I. Đến 11 giờ ngày 3/11, các thủy điện chỉ xả lũ với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng nước về hồ thì mực nước tại trạm Củng Sơn đã lên 34,92m (trên báo động III là 0,42m), trong khi tại trạm Phú Lâm còn ở mức 2,17m (dưới báo động II là 0,52m). Nếu các thủy điện xả lũ đúng quy trình thì mực nước ở trạm Củng Sơn tại thời điểm đó sẽ bị ngập sâu hơn nữa. Phú Yên là tỉnh nằm ở hạ du sông Ba nên thường xuyên gánh chịu sự tác động của việc xả lũ đối với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn. Trong khi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba chưa đề cập đến việc phối hợp cung cấp thông tin trong việc ra lệnh thực hiện xả nước đón lũ, giảm lũ cho vùng hạ du khi các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn (thuộc các tỉnh khác) xả lũ. Điều này đã gây khó khăn trong công tác điều hành của chính quyền và ứng phó lũ lụt của người dân ở Phú Yên…
Tăng cường quản lý và phối hợp
Sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khi lụt bão xảy ra thì thiệt hại rất nặng nề. Vùng hạ du các con sông trên địa bàn tỉnh thường tập trung dân cư đông đúc và cũng thường xuyên bị ngập lụt khi mưa lũ đổ về, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi việc xả lũ nhưng lại không thể bố trí lại các khu dân cư này. Theo ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm những chủ hồ không thực hiện đúng, đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa. Đồng thời, Bộ Công thương cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, vận hành hồ chứa, đặc biệt là vận hành xả lũ nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối, giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du. Ngoài ra, Bộ Công thương còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quan trắc hồ chứa, lưu lượng nước về hồ để có phương án vận hành an toàn, hợp lý và duy trì hoạt động hệ thống camera giám sát mực nước hồ chứa…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba, trong đó cần xem xét yếu tố ảnh hưởng của triều cường đến quy trình vận hành liên hồ chứa. Phú Yên đề nghị tỉnh Gia Lai quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn sông Ba khi điều hành xả lũ cần thông báo cho Phú Yên biết để theo dõi và chủ động ứng phó. Để sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét hỗ trợ trước mắt 1.100 tấn gạo cứu đói và 138 tỉ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại do lũ lụt và quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có chính sách giãn nợ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp nên gây thiệt hại rất nặng, đã có 7 người chết, nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản nuôi, công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại nặng, tổng thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng… |
ANH NGỌC