Thứ Tư, 15/01/2025 15:31 CH
Làng nghề đan đát Vinh Ba:
Khẩn trương vào mùa sản xuất
Thứ Hai, 05/12/2016 10:39 SA

 Người dân làng nghề đan đát Vinh Ba vào vụ sản xuất tết - Ảnh: NGÔ XUÂN

Những ngày này, không khí làm việc tại làng nghề đan đát Vinh Ba (thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), rất khẩn trương. Những người dân làng nghề đang tất bật sản xuất để đủ cung cấp cho những đơn hàng vào dịp cuối năm.

 

 Nhộn nhịp sản xuất

 

Thời gian này, đến thôn Vinh Ba, đâu đâu cũng thấy cảnh đàn ông chẻ tre, vót nan, đàn bà đan mành, đan sọt. Đây là công việc quen thuộc của người dân làng nghề từ hàng trăm năm nay. Bà Nguyễn Thị Phương, gắn bó lâu đời với nghề đan đát ở đây chia sẻ: Tôi biết đan mành, đan giỏ từ thời còn trẻ. Mỗi khi xong việc đồng áng, tôi lại vót nan, đan giỏ. Công việc này không nặng nhọc nhưng cần sự khéo léo, cẩn thận. Thu nhập từ nghề này không cao, nhưng giúp gia đình tôi có việc làm quanh năm, bình quân mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng.

 

Bà Trương Thị Hạnh cũng ở làng nghề này, chia sẻ: Ngày thường, trong gia đình chỉ có tôi đan mành, đan giỏ lúc có thời gian rảnh rỗi. Nay việc nông vụ đã hết nên các con tôi cũng nhận hàng về làm tại nhà. Hiện vào mùa hàng tết nên các cơ sở giao hàng gấp đôi ngày thường. Cả gia đình tôi tranh thủ làm luôn buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù nhiều việc nhưng ai cũng hào hứng với công việc quen thuộc này.

 

Ông Nguyễn Minh Phụng, chủ một cơ sở đan đát ở Vinh Ba, cho biết: Gia đình tôi gắn bó với nghề đan đát trên 20 năm. Hiện cơ sở có 6 lao động làm việc tại chỗ và khoảng 30 hộ khác nhận hàng về làm. Vừa qua, cơ sở đã đầu tư một số máy chẻ tre, máy tách nan, máy bào bóng để bớt công lao động, nan chẻ ra cũng đều và đẹp hơn. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra có chất lượng và giá cả cũng cạnh tranh được với nhiều loại sản phẩm khác. Khó khăn nhất của các hộ dân làng nghề là thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, dự trữ hàng hóa trong mùa mưa. Từ đầu năm, tôi mua hàng chục tấn nguyên liệu nhưng đến nay cũng đã gần hết. Tôi phải cho người đi thu gom thêm để có hàng làm bán dịp tết. Thêm vào đó, cơ sở cũng cần nguồn vốn đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất nhằm tạo hiệu quả kinh tế hơn.

 

Ổn định đầu ra

 

Trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các loại mành vịt, vỉ bánh tráng, giỏ gà, rổ, sàng... với giá trị thấp, đầu ra không ổn định. Từ khi làng nghề du nhập thành công nghề đan giỏ hoa, lẵng hoa bằng tre, mây, cọng dừa... thì đầu ra của sản phẩm đã ổn định và giá trị cũng được nâng cao. Hiện các sản phẩm giỏ hoa, lẵng hoa của người dân làng nghề Vinh Ba không chỉ có mặt ở khắp các cửa hàng, siêu thị, đại lý hoa, trái cây trong toàn tỉnh mà còn ở nhiều địa phương khác như Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai... Gần đây, sản phẩm giỏ hoa của làng nghề đan đát Vinh Ba đã trở nên đa dạng hơn với các mẫu giỏ vuông, chữ nhật, lẵng hoa các kiểu... nên sản phẩm của người dân làng nghề được nhiều nơi ưa chuộng.

 

Theo ông Trần Văn Luận, chủ cơ sở đan đát thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất, cuối năm, nhu cầu làm giỏ hoa, lẵng hoa tăng cao. Vừa rồi, cơ sở này nhận làm 7.000 giỏ quà cho siêu thị Co.opMart Tuy Hòa nên phải tuyển thêm nhân công để kịp tiến độ giao hàng. Dịp này, bạn hàng ở các nơi cũng tới tấp gọi điện đặt hàng nên cơ sở phải làm đêm làm ngày mới đủ hàng cung cấp. Hiện nay, ngoài số thợ làm tại chỗ thì cơ sở có thêm khoảng 60 hộ nhận sản phẩm về đan tại nhà. Còn anh Trần Vĩnh Lin, chủ một cơ sở đan đát khác, cho hay: Tôi thành lập cơ sở sản xuất được vài năm nay. Nhờ nhạy bén nắm bắt thị trường, tiếp thu kỹ thuật tốt nên gia đình tôi không lo thiếu việc làm. Hiện cơ sở có khoảng 20 lao động làm việc thường xuyên; bình quân mỗi ngày xuất đi 600-700 giỏ hoa cho các đại lý ở TP Tuy Hòa, tăng gần gấp đôi so với những tháng trước. Tôi phải liên tục nhập thêm nguyên liệu và tuyển thêm lao động, đào tạo nghề để khai thác tốt thị trường đang rộng mở. Tại cơ sở của tôi, mỗi thợ giỏi có thể làm được từ 30-40 giỏ hoa/ngày, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.

 

Ông Võ Bá Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: Làng nghề đan đát Vinh Ba hình thành từ rất lâu đời. Hiện làng nghề có 3 cơ sở sản xuất, với 250 lao động làm việc thường xuyên, với thu nhập bình quân khoảng 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa làm hàng tết thì số lao động làm nghề đan đát có thể tăng gấp đôi. Bình quân mỗi ngày, người dân làng nghề làm được khoảng 7.000 sản phẩm đan đát các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2008, Vinh Ba được công nhận làng nghề truyền thống. Việc du nhập thành công nghề đan giỏ hoa, trái cây, quà tặng đã thúc đẩy làng nghề phát triển ổn định nhờ sản phẩm ngày càng phong phú, chất lượng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, sau khi ký hợp đồng cung cấp giỏ hoa, quà tặng ổn định cho siêu thị Co.opMart Tuy Hòa thì người dân làng nghề càng yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để người dân Vinh Ba yên tâm phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều sản phẩm phong phú, chất lượng.

 

NGÔ XUÂN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek