Thứ Tư, 15/01/2025 19:04 CH
Chuẩn bị cho một “TPP mới”
Thứ Bảy, 03/12/2016 19:22 CH

Khi TPP không thông qua, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến thu hút FDI

Trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng không được Mỹ thông qua hoặc TPP được thông qua nhưng không có Mỹ tham gia, các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

 

Đứng trước những thách thức mới của thị trường, nhiều DN nội đang nỗ lực chuyển hướng nhằm “thích nghi” với hội nhập trong điều kiện mới. 

 

TPP thay đổi - chỉ là một phần khó khăn của dệt may

 

Xét trên yếu tố thị trường, Mỹ hiện là thị trường số 1 của dệt may Việt Nam. Năm 2015, để đón đầu TPP, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội có tiềm lực kinh tế đã đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi mắc xích sơ sợi, dệt nhuộm, để hoàn thiện chuỗi quy trình cung ứng sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, với những thông tin dự đoán bất lợi về khả năng TPP không được thông qua, nên từ giữa năm 2016 đến nay, tình hình đầu tư đã có những dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may đã giảm xuống còn 4% năm 2016, thấp hơn so với năm 2015 là 8%.

 

Những DN đã đầu tư vào chuỗi mắc xích cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may chỉ duy trì những phần đã đầu tư và chưa có ý định mở rộng quy mô sản xuất. Số ít các nhà đầu tư đang trong tình trạng chờ đợi đầu tư thì đã bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư tại những nước lân cận trong khu vực.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may đang không khả quan; mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 34 tỉ USD năm nay khó đạt được, bởi đến giờ này ước tính chỉ đạt 29 tỉ USD. Chưa bao giờ ngành dệt may có điểm rơi thấp như năm nay và đỉnh điểm của điểm rơi này sẽ còn kéo dài đến tháng 3-2017. Như vậy, mục tiêu của ngành cho năm 2017 có khả năng sẽ phải đề ra thấp hơn năm 2016.

 

Tuy nhiên, phân tích những nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động của ngành thì không chỉ có TPP. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan, chia sẻ rằng nút thắt lớn nhất của ngành dệt may là sản phẩm phụ trợ thì đến nay chưa được giải quyết. Trong trường hợp TPP thông qua thì Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế đảm bảo quy tắc xuất xứ, để được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.

 

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá sản phẩm xơ sợi nhập khẩu từ Việt Nam. Việc đánh thuế này có khả năng tạo nên hiệu ứng domino tại những thị trường khác, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam. Điều quan trọng hơn, ngành dệt may Việt Nam không có khả năng bắt kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.

 

Trong khi nhiều DN tại các nước phát triển đã bắt đầu chuyển sang đầu tư mới hệ thống trang thiết bị tự động hóa (từ công đoạn cắt vải đến may hoàn chỉnh một chiếc áo sơ mi đều thực hiện bằng robot, cảm ứng 3D mà không cần phải có sự can thiệp của con người) thì DN nội vẫn dựa vào thâm dụng lao động là chính. Do vậy, yếu tố cạnh tranh về năng suất, giá thành sản xuất ngày càng gay gắt hơn và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu hàng dệt may cũng sẽ cao hơn trong thời gian tới.

 

Giải pháp cấp bách: mở rộng thị trường mới

 

Ở góc độ hiệp hội, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng việc Mỹ bãi bỏ TPP có chăng chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đúng nghĩa, thiếu xơ sợi, dệt nhuộm. Phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước phải nhập khẩu từ nước thứ ba không được công nhận thành viên của hiệp định, nên sẽ không được hưởng những lợi thế từ TPP.

 

Thời gian qua, DN FDI đầu tư trong lĩnh vực dệt may là đầu tư vào sản xuất sơ sợi và dệt nhuộm vải. Họ vừa muốn tận dụng chi phí giá rẻ, vừa muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, để hướng đến xuất khẩu từ nhiều thị trường khác nhau. Do đó, trong bối cảnh đầu tư của các DN FDI chựng lại sẽ tạo khoảng trống có lợi cho DN nội đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện mắc xích chuỗi cung ứng và nỗ lực cải thiện trang thiết bị sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

 

Ở một khía cạnh khác, bà Trần Đức Hạnh, chuyên gia độc lập về nghiên cứu thị trường, cho rằng ngoài TPP thì Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Tận dụng hết lợi thế từ những hiệp định này mang lại thì dư địa thị trường xuất khẩu Việt Nam là rất lớn. Riêng đối với lĩnh vực dệt may, các DN cần tập trung hướng đến thị trường liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là chủ lực.

 

Lợi thế có được từ thị trường này là có hơn 600 triệu dân và là thị trường truyền thống của Việt Nam. Vướng mắc liên quan đến hoạt động thanh toán giữa hai nước là nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu hai chiều còn thấp trong khi tiềm năng còn rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước chỉ mới đạt 1%. Do vậy, để tạo hành lang pháp lý an toàn và thông thương cho thương mại hai nước, Chính phủ Việt Nam và Nga đã thống nhất giao cho Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Nga VTB ký kết thiết lập kênh thanh toán song phương riêng giữa Việt Nam và Nga.

 

Những rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường này gây khó khăn về vốn và tăng yếu tố rủi ro cho các DN Việt Nam và các phương thức thanh toán theo thông lệ như nhờ thu hộ tại Nga có chi phí khá cao… sẽ không còn nữa. Việc khơi thông lại thị trường này hứa hẹn nhiều tiềm năng xuất khẩu hơn cho DN Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng đầu các nước xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ mà vẫn không có TPP. Nếu có TPP thì kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ có thể tăng lên từ 2 - 3 con số, nhưng không có TPP thì vị trí này vẫn sẽ thuộc về Việt Nam trong một thời gian nữa với kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức tăng từ 1 - 1,5 con số. Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan chức năng xem xét đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, hỗ trợ ngành dệt may phát triển.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Báo động tình trạng trộm cắp điện
Thứ Bảy, 03/12/2016 14:00 CH
Phú Yên có 3 doanh nghiệp tham gia
Thứ Bảy, 03/12/2016 10:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek