Thứ Năm, 16/01/2025 04:49 SA
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh
Thứ Ba, 29/11/2016 08:15 SA

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai diễn biến phức tạp. Mới đây, UBND, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã ký cam kết thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh hai tỉnh.

 

Nhiều vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép

 

UBND tỉnh Phú Yên đề nghị lực lượng kiểm lâm và các địa phương vùng giáp ranh hai tỉnh cần phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện quy chế đã ký kết. Tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp với tỉnh Gia Lai để kêu gọi, xây dựng những nhà máy chế biến gỗ tại các khu vực giáp ranh nhằm khuyến khích người dân phát triển rừng trồng, không phá rừng cũng như lấn chiếm đất rừng để làm rẫy. UBND hai tỉnh cần nghiên cứu chính sách phát triển rừng, tạo thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư sống gần rừng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế)

Phú Yên có các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh giáp ranh với các huyện Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa của Gia Lai với chiều dài khoảng 110km. Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở, nhiều đỉnh núi cao, chia cách bởi nhiều nhánh sông, suối nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng trồng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép rất phức tạp. Vùng giáp ranh giữa các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh với Krông Pa thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép lâm sản rồi vận chuyển bằng đường sông, quốc lộ 25, 29 để đưa về Phú Yên tiêu thụ.

 

Ngoài ra, gỗ có nguồn gốc trái phép từ Gia Lai còn được vận chuyển về Phú Yên qua tuyến đường từ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) sang xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa). Đối với khu vực giáp ranh giữa huyện Đồng Xuân với các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép và xảy ra nhiều vụ cháy rừng trồng với mức độ thiệt hại lớn. Không những thế, khu vực giáp ranh giữa xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) với xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) còn xảy ra tình trạng đào phá đất rừng để đãi vàng trái phép. Gần đây, hàng ngày có nhiều người từ huyện Krông Pa sang các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) để chặt phá, khai thác trái phép lâm sản rừng đặc dụng Krông Trai.

 

Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết: “Tại tiểu khu 198 thuộc xã Ea Chà Rang và tiểu khu 178 thuộc xã Cà Lúi là khu vực giáp ranh với đất sản xuất của người dân xã Chư Ngọc. Do không có đường đi nên người dân đã mở lối đi băng ngang rừng đặc dụng và xây dựng nhiều lán trại ở đây để phá rừng làm rẫy trái phép. Vào ban đêm, các đối tượng thường dùng thuyền máy tập kết gỗ từ ngã ba sông Ba với sông Krông H’Năng (khu vực giáp ranh ba tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk) để vận chuyển đến các bến sông thuộc buôn Thu, buôn Học, buôn Khăm (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) và bờ đập thủy điện Sông Ba Hạ rồi tiếp tục đưa đi trên các tuyến đường. Khi phát hiện, các đối tượng điều khiển thuyền ra giữa sông, thậm chí còn chống đối lực lượng chức năng…”.

 

Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa (tỉnh Gia Lai), cho biết: Từ năm 2014-2015, Hạt Kiểm lâm Krông Pa phối hợp với lực lượng kiểm lâm Phú Yên xử lý 3 vụ vận chuyển, tập kết gỗ đường sông tại khu vực buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa). Từ năm 2015-2016, Hạt Kiểm lâm Krông Pa bắt giữ 3 vụ người dân Phú Yên đưa máy kéo mini sang địa phận xã Krông Năng (huyện Krông Pa) khai thác, vận chuyển gỗ về huyện Sông Hinh. Ngày 2/6/2016, nhận được tin báo các đối tượng tập kết gỗ trái phép trên sông Krông H’Năng để vận chuyển bằng đường sông về Phú Yên, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã triển khai lực lượng ngăn chặn. Tuy nhiên, các đối tượng chống trả quyết liệt, 3 cán bộ kiểm lâm bị thương, lực lượng chức năng buộc phải nổ súng nhưng không may trúng vào chân một đối tượng và dẫn đến thương vong. Riêng từ đầu năm đến nay, tại khu vực các xã Ia Dreh, Krông Năng (huyện Krông Pa) giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) và huyện Sông Hinh, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã bắt giữ 7 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Khối lượng lâm sản tạm giữ gần 9,5m3 gỗ các loại từ nhóm I-VIII và hơn 10.890kg cành, nhánh, gốc, rễ hương, tạm giữ 8 xe máy độ chế và 3 máy cưa dùng xăng…

 

Còn ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng vùng giáp ranh đã phát hiện và lập biên bản 59 vụ khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản, đào bới đất lâm nghiệp trái phép. Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đã tịch thu hơn 88,7m3 gỗ các loại, hơn 500kg than hầm, 2 ô tô, 2 cộ bò, 28 máy cưa dùng xăng, phạt tiền hơn 75 triệu đồng.

 

Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho hay: Từ năm 2012 đến nay, lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã thực hiện quy chế phối hợp kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, lấn chiếm rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm hai tỉnh đã thông tin với nhau về các vùng trọng điểm phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm rừng, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm. Các hạt kiểm lâm của hai tỉnh vùng giáp ranh đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra rừng phát hiện nhiều vụ vi phạm lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản.

 

Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ cho Công an huyện Đồng Xuân xử lý 1 vụ, tịch thu 2 súng quân dụng sử dụng trái phép, 2 cưa máy dùng xăng và nhiều lâm sản khác. Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, tịch thu hơn 8,5m3 gỗ các loại, 9 thuyền máy không đăng ký lưu hành. Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai phối hợp với Hạt Kiểm lâm Krông Pa bắt giữ hơn 25m3 gỗ các loại, hơn 1.860kg gốc, rễ, cành, nhánh cây gỗ nhóm I, tịch thu 5 ô tô, 2 mô tô và ngăn chặn một vụ đào đãi vàng trái phép tại khu vực sông Cà Lúi. Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã tổ chức nhiều đợt truy quét tại khu vực giáp ranh, trong đó tại buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) đã bắt giữ hơn 8m3 gỗ các loại. Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai xử lý 25 vụ vi phạm, tịch thu hơn 46,7m3 gỗ nhóm I, khoảng 1.765kg cành, nhánh, gốc, rễ cây gỗ nhóm I, 6 ô tô, 5 mô tô, 3 thuyền máy, phạt tiền hơn 25 triệu đồng…

 

Rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Sông Hinh với tỉnh Đắk Lắk bị tàn phá - Ảnh: ANH NGỌC

 

Đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp triệt phá

 

Theo Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, bên cạnh những mặt đạt được trong công tác phối hợp thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh đang gặp khó khăn vì các đối tượng vi phạm rất manh động, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm hai tỉnh chưa thường xuyên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở nên còn xảy ra nhiều vụ vi phạm, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, kinh phí thực hiện trong công tác phối hợp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa (tỉnh Gia Lai), cho biết: Để quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tốt hơn, các địa phương vùng giáp ranh cần tăng cường tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người dân, không phá rừng mà tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm và các địa phương vùng giáp ranh cần tăng cường phối hợp triệt phá các thuyền vận chuyển lâm sản trái phép tại các bến đò thuộc khu vực giáp ranh, đồng thời triệt phá các đường dây, đầu nậu thu mua gỗ trái phép.

 

Ông Trương Hiếu Hoàng cho biết: “Hiện lực lượng cán bộ, kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai chỉ đáp ứng khoảng 40% theo quy định, đề nghị tỉnh có kế hoạch bổ sung đủ lực lượng. Nhằm tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng đảm bảo ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng phá rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cũng cần xem xét giao khoán rừng cho dân tham gia bảo vệ rừng đặc dụng”. Còn ông Phan Văn Công kiến nghị, cấp có thẩm quyền hai tỉnh cần xem xét, đầu tư phương tiện, dụng cụ, công cụ phù hợp để lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, quản lý lâm sản vùng giáp ranh…

 

UBND tỉnh Gia Lai xác định, công tác quản lý, bảo vệ rừng là rất quan trọng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc. UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các địa phương vùng giáp ranh trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện quy chế phối hợp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp tốt hơn với tỉnh Phú Yên trong thời gian tới nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm hại rừng khu vực giáp ranh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek