Niên vụ mía đường, sắn 2015-2016, mặc dù thời tiết không thuận lợi, điều kiện sản xuất khó khăn nhưng nhờ giá bán đường tăng cao, tiêu thụ thuận lợi nên các nhà máy và người trồng mía có lãi. Trong khi đó, ngành chế biến tinh bột sắn lại gặp nhiều khó khăn do giá sắn xuống thấp, tiêu thụ khó. Chuẩn bị vào vụ ép mới, các doanh nghiệp và người nông dân kỳ vọng vào một niên vụ mới thành công hơn.
Kết thúc niên vụ nhiều khó khăn
Theo Ban Điều hành mía đường, sắn, trong vụ ép 2015-2016, các nhà máy chế biến đã ép trên 116.570 tấn đường. Trong đó, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa (TUSUCO) chế biến gần 18.600 tấn đường RS; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) chế biến trên 98.000 tấn đường RE. Năm nay, đường tăng giá, việc tiêu thụ thuận lợi nên toàn bộ lượng đường sản xuất đều tiêu thụ hết, không còn tình trạng tồn kho như mọi năm. Giá bán đường bình quân ở mức 13,1 triệu đồng/tấn đường RS và 16,1 triệu đồng/tấn đường RE, cao hơn vụ trước từ 17-24%.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công nghiệp KCP, cho biết: Vụ ép 2015-2016, sản lượng mía tăng 5% so với vụ trước. Công ty ép được hơn 98.000 tấn đường RE; doanh thu trên 1.361 tỉ đồng. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người lao động cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong vụ ép này, tình trạng tranh mua mía trong vùng nguyên liệu đầu tư của công ty đáng báo động. Cụ thể, vào giữa vụ ép, các nông dân trong vùng mía nguyên liệu của KCP đã bán khoảng 70.000-75.000 tấn mía cây ra bên ngoài. Trong khi đó, từ trước khi vào vụ ép, dựa trên diện tích mía nguyên liệu đã đầu tư, công ty ký trước hợp đồng cung ứng đường với các khách hàng lớn. Việc nông dân bán mía ra ngoài đã gây thất thoát một lượng lớn mía nguyên liệu, khiến công ty không đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng, gây thiệt hại trên 8 tỉ đồng.
Trong khi tình hình tiêu thụ đường thuận lợi thì thị trường tinh bột sắn lại khó khăn hơn, giá sắn giảm mạnh. Năm nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn chế biến gần 143.000 tấn, tăng gần 25% so với vụ trước. Trong đó, Nhà máy Tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh chế biến trên 85.600 tấn; Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân chế biến trên 57.200 tấn. Theo ông Huỳnh Văn Đồng, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, trong 20 năm qua, năm nay là năm ngành chế biến tinh bột sắn gặp nhiều khó khăn nhất. Từ đầu năm đến nay, giá tinh bột sắn thế giới và trong nước liên tục xuống thấp. Những năm trước, tinh bột sắn được xuất khẩu với giá từ 450-490 USD/tấn; năm nay giảm còn 250-270 USD/tấn nhưng vẫn khó tìm được nguồn tiêu thụ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Kỳ vọng niên vụ mới
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu vào niên vụ chế biến mía đường, sắn mới. Từ đầu vụ, các nhà máy đã tập trung đầu tư vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng, sản lượng mía, nâng công suất nhà máy, cải tiến kỹ thuật sản xuất… với kỳ vọng có một niên vụ sản xuất mới thành công hơn. Trong niên vụ 2016-2017, các nhà máy chế biến mía đường đã đầu tư hơn 20.460ha mía, với tổng số tiền trên 263 tỉ đồng. Trong đó, TUSUCO đầu tư cho 1.022 hộ nông dân trồng mới trên 1.480ha và 1.690ha mía lưu gốc với số tiền trên 35,3 tỉ đồng. Chi phí đầu tư trồng 1ha mía của TUSUCO là 35 triệu đồng/ha đối với mía trồng mới và 25 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc. Công ty KCP đầu tư cho 8.278 hộ nông dân, gồm 4.988ha trồng mới và 12.299ha mía lưu gốc với số tiền trên 227,7 tỉ đồng. Chi phí đầu tư trồng 1ha mía của KCP là 43,1 triệu đồng/ha đối với mía trồng mới và 31 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc. Còn các nhà máy chế biến tinh bột sắn đầu tư trên 1.170ha sắn nguyên liệu, với tổng số tiền 2,25 tỉ đồng. Trong đó, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân đầu tư cho 515 hộ dân trồng 172ha, với số tiền trên 251 triệu đồng. Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh đầu tư cho 520 hộ dân trồng 1.000ha, với số tiền 2 tỉ đồng. Chi phí trồng 1ha sắn đối với Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh là 25 triệu đồng/ha, còn Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân là 16,5 triệu đồng/ha.
Ông K.V.S.R Subbaiah cho biết thêm: Công ty KCP vừa hoàn thành nâng công suất nhà máy đường lên 8.000 tấn mía cây/ngày, đồng thời tích cực đầu tư các thiết bị máy móc trồng và thu hoạch mía bằng máy để giảm khó khăn thiếu lao động vào chính vụ, dẫn đến tình trạng thu hoạch mía không kịp. Hy vọng với những giải pháp này, doanh nghiệp sẽ gặt hái được những kết quả khả quan hơn trong niên vụ tới. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong các ngành và địa phương có giải pháp can thiệp, hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tốt vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua mía để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất và chế biến mía đường, sắn niên vụ 2015-2016, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành mía đường, sắn tỉnh yêu cầu các ngành liên quan chú ý đầu tư các mô hình tưới nhỏ giọt, lắp đặt máy bơm cho mía bằng năng lượng mặt trời, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào trồng trọt, sản xuất… Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhà máy quản lý tốt vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua nguyên liệu, gây thiệt hại cho các nhà máy chế biến trong tỉnh.
Các nhà máy cần tăng cường nghiên cứu, đầu tư các bộ giống mới có năng suất, chất lượng; cải tiến các phương thức thu mua, minh bạch hóa việc xác định chữ đường, độ tinh bột, trừ tạp chất… để tạo sự đồng thuận với người nông dân. Ngoài ra, các nhà máy cũng cần có chiến lược đầu tư chế biến chuyên sâu, nâng công suất, tăng cường tự động hóa trong quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất thu hồi… để sản phẩm có sức cạnh tranh, ổn định thị trường, để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành mía đường, sắn tỉnh Trần Hữu Thế |
NGÔ XUÂN