Thứ Năm, 16/01/2025 07:10 SA
Hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp:
Điểm tựa cho đồng bào miền núi thoát nghèo
Thứ Bảy, 26/11/2016 11:00 SA

Sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng chuyên canh đã tạo ra sự phát triển trù phú cho vùng miền núi Phú Yên (từ trồng mía ông Nguyễn Bông ở xã Cà Lúi có doanh thu 1 tỉ đồng/năm) - Ảnh: MINH DUYÊN

Các chính sách đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp vào khu vực miền núi Phú Yên đang tạo ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống cho đồng bào nơi đây.

 

Được quan tâm đầu tư

 

Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn thì được hỗ trợ phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2016, từ nguồn vốn Chương trình 135 về hỗ trợ sản xuất, 185 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp… với tổng giá trị hơn 1,3 tỉ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn theo Quyết định 755 của Chính phủ, 271 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ trực tiếp sản xuất, 348 hộ được hỗ trợ mua nông cụ chuyển đổi ngành nghề với tổng kinh phí hơn 9,2 tỉ đồng.

 

Phát huy thế mạnh vùng miền núi, để sản xuất nông, lâm nghiệp trở thành hàng hóa, UBND tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất gắn với các nhà máy chế biến, nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản của bà con. Tại các khu vực miền núi của tỉnh đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía gắn với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Nhà máy đường Đồng Xuân; vùng nguyên liệu sắn gắn với Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, Nhà máy tinh bột sắn Fococev Sông Hinh; hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp như cây cao su ở Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol; cây cà phê ở Ea Bá (huyện Sông Hinh). Đồng thời, phát triển rừng trồng thành vùng nguyên liệu gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến gắn với mục tiêu mỗi năm trồng mới khoảng 4.000ha rừng.

 

Theo Sở NN-PTNT, năm 2016 toàn tỉnh có 6.000ha rừng, trong đó có 4.200ha rừng sản xuất, tăng 600ha so với năm 2015. Diện tích rừng trồng tập trung ở vùng miền núi. Hiện trung bình mỗi hecta rừng đạt năng suất 70 tấn, khai thác đạt tổng sản lượng gỗ hơn 50.000 m3/năm, tăng khoảng 10.000m3 so với năm 2015. Các hộ trồng rừng hàng năm thu lãi từ 50-100 triệu đồng/ha.

 

Ông Nay Y BLung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Niên vụ mía năm nay, huyện Sơn Hòa trồng hơn 13.000ha, tăng 1% so với niên vụ trước, năng suất bình quân gần 58 tấn/ha, với tổng sản lượng mía hơn 757.000 tấn, tăng gần 23.000 tấn so với trước. Nhà máy đường KCP Sơn Hòa thuộc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đóng trên địa bàn huyện đã hỗ trợ tích cực cho nông dân trong việc trồng và tiêu thụ nguyên liệu mía. Hàng năm, công ty này đã đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ cỏ và tiền mặt cho nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu. Riêng niên vụ mía năm 2016, công ty hỗ trợ 180 tỉ đồng cho nông dân trồng mía trong huyện. Nhờ đó, thu nhập của người trồng mía từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng.

 

Vươn lên thoát nghèo, làm giàu

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, địa phương đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất hơn 2 tỉ đồng mua 10.600kg lúa lai, 1.200 bó sắn, 100 con bò giống, 86 con heo, 39 tấn phân NPK, 150 lít thuốc diệt cỏ… cấp cho 981 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở 6 xã và 8 thôn buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ sự hỗ trợ này, đồng bào trong huyện đã có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

 

K Pá Lung, một hộ nghèo ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) chỉ vào đàn gia súc trước nhà, chia sẻ: Nhà tôi nghèo, muốn có đàn heo để nuôi từ nhiều năm nay mà không đủ tiền mua. Nay được Nhà nước hỗ trợ, tôi đã đăng ký với UBND xã muốn có heo nuôi. Vừa rồi, gia đình tôi được hỗ trợ 4 con heo để nuôi.

 

Có đầu ra tiêu thụ nông sản ổn định, gia đình ông Phạm Ngọc Huệ ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) có thu nhập gần 1 tỉ đồng từ trồng mía. Còn theo Ma Kim ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), với 7ha sắn, chi phí cho 1ha từ 10-15 triệu đồng, năng suất trung bình 40 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi từ 200-300 triệu đồng/năm.

 

Với giá gỗ nguyên liệu từ 1,2-1,4 triệu đồng/tấn như hiện nay, nhiều hộ trồng keo, bạch đàn… ở khu vực miền núi trong tỉnh có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. La Lan Thắm ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: Tôi có 5ha đất rẫy, trước đây trồng cây ăn trái, cỏ nuôi bò. Do đầu ra không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng keo, bạch đàn, năm nào gia đình tôi cũng có thu nhập 100 triệu đồng.

 

Diện tích rừng mở rộng, nhu cầu cây giống tăng, nhờ đó nhiều hộ còn có thêm thu nhập từ làm vườn ươm cây giống. Ông Nguyễn Anh Hoài ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho biết: Ngoài 13ha rừng trồng, gia đình tôi còn có 2 sào vườn ươm cây giống, vừa để phục vụ nhu cầu trồng rừng của gia đình vừa bán giống cho người dân có nhu cầu. Mỗi năm, gia đình tôi bán ra từ 300.000-500.000 cây giống. Tổng thu nhập từ trồng rừng và làm vườn ươm của gia đình tôi bình quân 500 triệu đồng/năm.

 

Theo ông La Văn Tỷ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, việc hình thành các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho đồng bào miền núi trong tỉnh. Chính sự quan tâm này của Đảng và Nhà nước cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã giúp miền núi Phú Yên trở thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp trù phú. Từ đây, đồng bào miền núi của tỉnh có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek