Sau lũ lụt, nhiều loại chất thải rắn còn tồn ứ trong môi trường, cộng với khí hậu ẩm ướt là điều kiện bất lợi cho chăn nuôi. Để ổn định sản xuất, chuẩn bị cho vụ tết, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Báo Phú Yên trao đổi với ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, xung quanh vấn đề này.
Ông Đào Lý Nhĩ - Ảnh: THỦY TIÊN |
* Ông có thể cho biết sau lũ lụt, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến thế nào?
- Trong đợt lũ lụt vừa qua, nước gây ngập tại nhiều địa phương, cuốn trôi và làm chết gần 14.800 con gia súc, gia cầm của người dân. Sau khi hết lũ, ngành Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh dịch trên đàn vật nuôi. Hiện nay, đàn vật nuôi của toàn tỉnh vẫn đang ổn định, chưa phát hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm, dịch tả và phó thương hàn. Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh lân cận Đắk Lắk đang xảy ra dịch LMLM, còn tỉnh Hà Tĩnh đang phát dịch heo tai xanh, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao, người dân không được chủ quan với dịch bệnh ở vật nuôi.
* Sau lũ lụt là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh, ngành Chăn nuôi và Thú y triển khai những biện pháp gì để phòng bệnh?
- Để hạn chế mầm bệnh phát sinh lây lan, vừa qua, chi cục đã cấp 5.000 lít thuốc sát trùng Benkocid cho các huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương cũng đã phân bổ thuốc về các xã, thị trấn để tổ chức phun tiêu độc sát trùng môi trường khu vực chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang bùng phát 5 ổ dịch LMLM, nên nguy cơ loại dịch này lây lan sang đàn gia súc của Phú Yên là rất cao. Trong khi đó, nguồn vắc xin LMLM để tiêm phòng đợt II/2016 vẫn chưa có, khả năng phải đến tháng 12 mới có vắc xin để tiêm. So với lịch tiêm thông thường, đợt tiêm này bị chậm khoảng 3 tháng, vì vậy khả năng miễn dịch của đàn gia súc đối với bệnh LMLM gần như đã hết nên rất dễ nhiễm bệnh. Trước tình hình này, chi cục đã tạm thời xuất 14.500 liều vắc xin LMLM nhị tuýp O, A từ nguồn vắc xin dự phòng chống dịch cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, vì đây là huyện giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk để tiêm phòng cho đàn bò của huyện này. Đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh đã tiêm được khoảng 8.000 liều, dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ kết thúc đợt tiêm.
Ngoài ra, để phòng dịch hiệu quả, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 32.000 liều vắc xin LMLM nhị tuýp để tiêm cho đàn gia súc các vùng có nguy cơ thấp và 30 tấn clorin 20% để sát trùng tại các vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt trong đợt lũ vừa qua.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm - Ảnh: THỦY TIÊN |
* Theo ông, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, những loại dịch bệnh nào dễ phát sinh?
- Sau mưa lũ, khí hậu ẩm ướt, thời tiết về đêm lại lạnh rất thuận lợi để nhiều loại vi rút phát sinh gây dịch bệnh cho vật nuôi. Trong đó, những loại dịch bệnh dễ xuất hiện nhất là bệnh niu cát xơn ở gà mà người dân hay gọi là bệnh cú rụ; loại bệnh này do vi rút gây ra nên không có thuốc để điều trị, gà mắc bệnh này sẽ chết trong vòng từ 7-10 ngày. Ngoài ra, các bệnh tụ huyết trùng và cúm gia cầm cũng hay phát sinh. Đối với vịt, mùa này bệnh tả và cúm gia cầm rất dễ bùng phát. Ở gia súc bệnh thường gặp nhất là LMLM trên trâu, bò; dịch tả, phó thương hàn và LMLM với heo.
Người chăn nuôi bổ sung thức ăn thô xanh cho gia súc - Ảnh: THỦY TIÊN |
* Người chăn nuôi cần phải làm gì để kiểm soát tốt dịch bệnh cho đàn vật nuôi?
- Muốn hạn chế mầm bệnh phát sinh và lây lan sau lũ, các hộ chăn nuôi phải chủ động thu gom và xử lý chất thải rắn còn tồn dư trong môi trường do mưa lũ trôi tấp vào xung quanh khu vực chăn nuôi. Người dân nên sử dụng vôi bột để xử lý các hố chôn lấp chất thải rắn, dùng thuốc sát trùng xử lý các nguồn nước trên kênh rãnh quanh khu vực chuồng trại. Định kỳ 1 lần/tuần, bà con sử dụng thuốc sát trùng iodien để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Đặc biệt với loại thuốc này, người dân có thể phun thuốc trực tiếp lên gia súc để tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, người dân nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định mà ngành đã khuyến cáo. Đồng thời, bà con có thể bổ sung các loại khoáng chất, vitamin vào khẩu phần ăn của vật nuôi để giúp vật nuôi nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.
* Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN