Chủ Nhật, 17/11/2024 15:31 CH
Phòng bệnh dịch cho vật nuôi trong mùa mưa lũ:
Người dân không được lơ là
Thứ Ba, 11/10/2016 14:00 CH

Người nuôi bổ sung thức ăn xanh để tăng sức khỏe cho bò trong mùa mưa - Ảnh: THỦY TIÊN

Thời tiết đang vào mùa mưa lũ. Khí hậu ẩm ướt, mưa lạnh là những tác nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi, lại là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh sinh sôi. Để tránh phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho vật nuôi. 

 

Nhiều bất lợi

 

Hiện thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, nhiều ngày có không khí lạnh nên sức khỏe của gia súc bị suy giảm, sức đề kháng của vật nuôi cũng giảm theo. Trong khi đó, khí hậu ẩm ướt như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút sinh sôi và lây lan mạnh trong không khí nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Để hạn chế dịch bệnh bùng phát, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai tiêm phòng vắc xin đợt II/2016.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả nhất cho vật nuôi. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin lần này đạt rất thấp, đây là khó khăn lớn nhất trong công tác phòng dịch sắp tới. Ngoài ra hiện nay, chi cục vẫn chưa triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) cho gia súc, trong khi thời điểm này hầu hết đàn gia súc đã hết thời hạn miễn dịch với bệnh LMLM. Nguyên nhân của việc chậm trễ là do đợt tiêm phòng vắc xin LMLM lần này có nhiều thay đổi trong cơ chế hỗ trợ vắc xin và nguồn vắc xin chưa có.

 

Được biết, trong giai đoạn 2011-2015, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh được miễn phí chi phí vắc xin và công tiêm (Trung ương hỗ trợ 50%, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí vắc xin; các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ tiền công tiêm). Còn hiện nay, chỉ các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân được tỉnh hỗ trợ 100% chi phí vắc xin; các huyện Tuy An, Tây Hòa và các xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), An Phú (TP Tuy Hòa), Xuân Lâm, Xuân Hải, Xuân Thọ 2, Xuân Thịnh, Xuân Phương và Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí vắc xin, phần còn lại do các huyện, thị xã và thành phố hỗ trợ. Đối với các địa phương còn lại thuộc vùng nguy cơ thấp thì người nuôi tự mua vắc xin để tiêm phòng.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Hiện nay, các trạm thú y cơ sở tiếp tục tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm. Chi cục cũng đang mua vắc xin LMLM, có thể phải đến tháng 11/2016 mới có vắc xin tiêm phòng. Đối với các địa phương được hỗ trợ miễn phí vắc xin LMLM, chúng tôi quyết tâm tiêm phòng đạt chỉ tiêu yêu cầu với hơn 80% gia súc được tiêm. Riêng những khu vực người nuôi phải tự mua vắc xin tiêm phòng sẽ gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người chăn nuôi. Để tỉ lệ tiêm phòng đạt yêu cầu, các địa phương phải tích cực vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu được lợi ích từ việc tiêm phòng để hưởng ứng.

 

Người nuôi phải chủ động

 

Để công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ đạt hiệu quả cao, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi phải nâng cao ý thức phòng dịch cho vật nuôi của gia đình. Hiện nay, các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng dịch, trong đó chú trọng đến việc vệ sinh môi trường và tích trữ thức ăn. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, tổng đàn bò của huyện này có khoảng 17.000 con, được nuôi tập trung ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số. Vì hầu hết đàn bò được nuôi với hình thức chăn thả rông, phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên nên gia súc thường ốm yếu, sức đề kháng thấp. Do đó, việc hướng dẫn người dân cách tích trữ phụ phẩm nông nghiệp và trồng cỏ để có nguồn thức ăn bổ sung được địa phương này rất quan tâm. Định kỳ, trước mỗi mùa thu hoạch nông sản, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách tích trữ rơm rạ, ủ đọt mía, thân sắn, bắp… để làm nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa mưa lũ.

 

Còn Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Trần Sáu cho biết: Công tác phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi vì người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăn nuôi bò. Hầu hết các hộ nuôi bò đều có chuồng trại thoáng mát, không ngập úng đáp ứng yêu cầu nuôi nhốt. Mỗi hộ nuôi bò đều có ít nhất 1 cây rơm khô. Người dân còn thường xuyên nấu cháo để bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi nên bò được đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, công tác vệ sinh thú y cũng được bà con quan tâm đúng mức. Bà Lê Thị Thanh Tuyền ở xã An Hiệp (huyện Tuy An), cho hay: Để phòng chống dịch bệnh, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh và phun thuốc tiêu độc sát trùng khu vực chuồng nuôi bò 1 lần/tuần. Nhờ môi trường nuôi sạch sẽ, các loại vi rút gây bệnh cũng giảm, dịch bệnh được hạn chế. Từ 3 năm nay, đàn bò nhà tôi chưa bị bệnh dịch gì.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đang phát triển ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm như LMLM, tai xanh và cúm gia cầm đều không phát sinh. Tuy nhiên, lúc này đang là mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, các loại vi rút sinh sôi mạnh nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh sẽ rất cao. Vì vậy, người chăn nuôi không được chủ quan lơ là mà cần phải thường xuyên bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi để nâng cao sức đề kháng.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek