Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2016), Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xung quanh vấn đề này. Ông Lê Đủ cho biết:
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Đủ - Ảnh: TRUNG HIẾU |
Ngay từ đầu năm 2016, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch triển khai cho các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG); đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống của Hội. Qua đó, các cấp Hội tổ chức Hội thi “Nhà Nông đua tài tỉnh Phú Yên năm 2016”; phát động phong trào nông dân thi đua SXKDG giai đoạn 2014-2016 và tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện phong trào. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở VH-TT-DL và Sở NN-PTNT tổ chức Giải bóng chuyền truyền thống Nông dân - Nông nghiệp tỉnh Phú Yên lần thứ XII năm 2016; tổ chức kỷ niệm, tọa đàm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam…
* Hội Nông dân tỉnh có kế hoạch gì để các cấp Hội hưởng ứng mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 do Chính phủ vừa triển khai, thưa ông?
- Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, thời gian qua các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phong trào này gắn với phong trào thi đua “Nông dân Phú Yên chung sức, chung lòng xây dựng NTM”. Qua đó, các cấp Hội đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân đóng góp trên 195 tỉ đồng, 160.908 ngày công và hiến trên 114.300m2 đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân, góp phần cùng với cả tỉnh bê tông hóa được hơn 1.800km đường nông thôn. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, các công trình phúc lợi cộng đồng được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp ngày càng tốt hơn.
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội Nông dân chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, đi đầu trong đóng góp tiền, công lao động, vật tư, hiến đất; thực hiện bê tông giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, đóng góp xây dựng trường học, trạm xá xã, nhà văn hóa thôn, buôn, khu phố… Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ đẩy mạnh công trình Điện sáng đường quê; mô hình thu gom rác thải nông thôn; mô hình xử lý chất thải phát triển chăn nuôi trong khu dân cư, góp phần xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp gắn với bảo vệ môi trường.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức dạy nghề và thực hành cách xử lý rơm tạo thức ăn cho trâu, bò cho người dân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) - Ảnh: TRUNG HIẾU |
* Nhiều nông dân còn đang gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất, cây trồng, vật nuôi. Theo ông, Hội Nông dân tỉnh có cách nào giúp họ giải quyết những khó khăn này?
- Hiểu được cái khó của người dân, Hội Nông dân tỉnh đang quán triệt sâu sắc quan điểm của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); thực hiện Kết luận 61 của Bộ Chính trị và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, các cấp Hội tích cực, chủ động xây dựng các chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế trong nông nghiệp. Trước mắt cũng như lâu dài tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức dịch vụ để giải quyết các nhu cầu về vốn, vật tư, hàng hóa cho nông dân; chủ động xây dựng dự án và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để xây dựng các chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa sạch, an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh cao với thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập, phát triển.
Song song đó, các cấp Hội hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng KH-CN; đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỉ lệ hộ khá, giàu, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia xây dựng cánh đồng mẫu và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp lợi thế từng địa phương. Có như vậy mới giúp nông dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
* Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU (thực hiện)