Thời gian qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên đến nay, những khó khăn đã từng bước được tháo gỡ, giúp ngư dân hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước và mạnh dạn tham gia bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vươn khơi, bám biển.
Khấu hao không quá 50% giá trị tàu
Theo quy định tại Nghị định 67, hàng năm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; đồng thời hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Tại Phú Yên, Công ty Bảo Minh Phú Yên là đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định chịu trách nhiệm thực hiện bảo hiểm tàu cá theo nghị định này. |
Tại Phú Yên, chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ được thực hiện từ đầu năm 2015 nhưng đến gần giữa năm này, trên địa bàn tỉnh không có mấy tàu và thuyền viên được hưởng kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm. Theo ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, thời gian đầu triển khai, do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, ngư dân chưa hiểu hết quyền lợi cũng như những điều khoản hỗ trợ trong chính sách nên chưa mạnh dạn đăng ký mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Sự chồng chéo về chính sách khi tồn tại cùng lúc 2 chương trình bảo hiểm liên quan đến thủy sản (theo Nghị định 67 của Chính phủ và Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ) với mức hỗ trợ, điều kiện bảo hiểm, hoa hồng khác nhau… khiến ngư dân băn khoăn, không biết nên chọn đăng ký tham gia bảo hiểm theo chính sách nào. Ngoài ra, quy định khấu hao tài sản 5%/năm từ năm thứ tư trở đi để xác định giá trị tàu còn lại khi bồi thường rủi ro cũng khiến ngư dân gặp khó khăn...
Ông Nguyễn Bé, ngư dân ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, cho biết: Đối với người đi biển, tàu cá không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là “nhà” nên trước mỗi chuyến biển, ngư dân đều kiểm tra máy móc rất kỹ. Chưa kể hàng năm, ngư dân đều cho tu bổ, sửa chữa tàu với số tiền không nhỏ nên mặc dù “tuổi cao”, giá trị tàu vẫn không giảm bao nhiêu. Do đó, nếu Nhà nước cứ quy định khấu hao 5% mỗi năm thì những con tàu từ 20 năm tuổi trở lên coi như bỏ. Vì tàu cá càng nhiều “tuổi” thì giá trị còn lại càng thấp, khi đó, nếu tàu xảy ra rủi ro, số tiền ngư dân được bồi thường sẽ không đáng kể.
Trước những khó khăn của ngư dân, Công ty Bảo Minh Phú Yên đã ghi nhận và có kiến nghị lên Bộ Tài chính. “Mới đây, Bộ Tài chính đã điều chỉnh quy định về khấu hao tài sản đối với tàu cá của ngư dân. Theo đó, từ năm thứ tư trở đi, tỉ lệ khấu hao vẫn là 5%/năm nhưng không quá 50% đối với một con tàu. Điều này giúp ngư dân không phải chịu thiệt thòi khi rủi ro xảy ra”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, trước đó, Bộ Tài chính quy định từ năm 2016, Nhà nước chỉ cấp hỗ trợ chi phí nhiên liệu và mua máy thông tin liên lạc theo Quyết định 48, còn chi phí mua bảo hiểm thì theo Nghị định 67 nên sẽ không còn nhập nhằng về mặt chính sách nữa. Ngoài ra, khi mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, ngư dân còn được ưu đãi với mức hỗ trợ cao hơn và không phải ứng trước tiền mua bảo hiểm như chính sách cũ.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia
Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 900 lượt tàu và hơn 6.600 lượt thuyền viên tham gia bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 400 tàu cá và 3.202 thuyền viên tham gia với tổng phí bảo hiểm là 7,6 tỉ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6,3 tỉ đồng, chủ tàu chỉ đóng 1,3 tỉ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 tàu với 3.400 thuyền viên tham gia bảo hiểm với tổng phí 8,5 tỉ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6,9 tỉ đồng, còn lại do chủ tàu đóng.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng hiện số tàu và thuyền viên tham gia bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 chiếm chưa đến 50% tổng số tàu và thuyền viên đủ điều kiện tham gia trên địa bàn tỉnh. “Dự kiến cuối năm 2016, Trung ương sẽ sơ kết, đánh giá lại kết quả triển khai Nghị định 67 trên toàn quốc. Qua đó sẽ quyết định có tiếp tục thực hiện chính sách này hay không hoặc cần điều chỉnh những gì để thực hiện cho hiệu quả. Vì vậy, ngay từ bây giờ, thiết nghĩ, những ngư dân đã tham gia bảo hiểm mà hết hạn thì nên tái tục, còn ngư dân nào chưa tham gia thì đăng ký mới. Về phần mình, Công ty Bảo Minh Phú Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi trước khi chính sách có sự điều chỉnh”, ông Khoa chia sẻ.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Tài chính, để được hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, chủ tàu cần chuẩn bị hồ sơ trong đó có giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu, sổ đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên... Còn khi gặp rủi ro, ngư dân Phú Yên cần gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng của Công ty Bảo Minh Phú Yên để được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường.
LÊ HẢO