Sở Công thương có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống lụt, bão. Với phương châm chủ động, tại chỗ, bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại để ứng cứu kịp thời cho người dân khi có bão lũ xảy ra, đơn vị này quyết tâm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong tỉnh.
Chủ động triển khai
Theo Sở Công thương, dự trữ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lụt, bão. Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, kịp thời đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu góp phần ổn định đời sống nhân dân, Sở Công thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân khi có lụt bão xảy ra. Trong 9 mặt hàng chủ yếu được các doanh nghiệp cung ứng, có 32.000 thùng mì ăn liền, 400 tấn gạo, 5.000 thùng nước uống đóng chai, 450.000 lít xăng, 432.000 lít dầu diezen, 36.000 lít dầu hỏa, 40.000m2 tấm lợp, 3 tấn đinh vít, 5 tấn dây thép. Dự kiến, mặt hàng lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng thiết yếu sẽ được dự trữ tại trung tâm tỉnh; mặt hàng xăng dầu được trữ tại các huyện, thị xã. Số hàng hóa trên sẽ được dự trữ trong 4 tháng (từ ngày 1/9-31/12/2016).
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Đơn vị đã khảo sát và lựa chọn một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của tỉnh có khả năng dự trữ lưu thông các mặt hàng trên để vừa kinh doanh, vừa cung ứng kịp thời cho người dân khi có lụt, bão xảy ra trên địa bàn. Sở Công thương xác định, việc dự trữ hàng hóa được thực hiện theo phương châm tại chỗ, chủ động, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Do đó, sở chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, tích cực tìm kiếm nguồn hàng dự trữ nhằm bảo đảm sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương trong điều kiện cần thiết, nhất là khi bị lũ lụt cô lập và gây ách tắc giao thông.
Cung ứng đủ, kịp thời
Thực hiện công tác dự trữ hàng hóa trong năm nay, ngoài những doanh nghiệp tham gia cung ứng xăng, dầu, còn có 8 doanh nghiệp đầu mối dự trữ lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng gồm: Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển - Thương mại Hoàng Phương, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, Công ty TNHH Thương mại Vạn Phúc, Công ty TNHH Vận tải và Thương mại An Thiên Phúc, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, Công ty TNHH Bích Hợp, hiệu buôn Tí Linh, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung chi nhánh Phú Yên. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đầu mối đều đã chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa, bảo đảm thời gian dự trữ theo yêu cầu của tỉnh.
Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho hay: Năm nay, siêu thị có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong mùa mưa bão ngay từ rất sớm. Theo số lượng hàng hóa Sở Công thương giao, siêu thị chuẩn bị 6.000 thùng mì, 1.000 thùng nước uống đóng chai. Ngoài ra, đơn vị còn dự trữ một số thực phẩm khác với số lượng khá lớn. Đơn vị đảm bảo cung cấp hàng hóa với giá bình ổn cho người dân. Còn theo ông Nguyễn Đăng Chinh, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên, thực hiện kế hoạch của tỉnh, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ và cung ứng xăng dầu cho 22 đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối tại các địa phương. Không chỉ với số lượng 15.000 lít xăng và 20.000 lít dầu diezen như dự kiến, đơn vị còn đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân theo sự điều động của tỉnh.
Theo Chi cục Quản lý thị trường, đơn vị này sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường nắm bắt tình hình bão, lụt xảy ra và số lượng nguồn dự trữ hàng hóa thiết yếu cần cung ứng. Các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai bão, lụt tự ý nâng giá bán các loại hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng... Bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm: Đểbảo đảm cho công tác vận chuyển, phục vụ cứu trợ, Sở Công thương sẽ huy động khoảng 8 xe tải (loại 3,5-5 tấn) của một số trường học, doanh nghiệp trong tỉnh. Sở cũng huy động lực lượng sinh viên các trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đại học Phú Yên, đại học Xây dựng Miền Trung, cao đẳng Nghề Phú Yên tham gia bốc xếp hàng hóa. Đối với những khu vực bị ngập nước, cô lập, Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh đểhàng hóa được vận chuyển đến các địa phương bằng thuyền máy, ca nô hoặc trực thăng.
Khi xảy ra lụt bão, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan nắm bắt kịp thời nhu cầu thực phẩm của người dân, chủ động cung cấp hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt. Trong đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố là cơ quan đầu mối tiếp nhận hàng hóa cứu trợ và chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa cho nhân dân vùng bị lụt, bão thuộc địa bàn quản lý.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Bích |
VÕ PHÊ