Chủ Nhật, 29/12/2024 15:39 CH
Mô hình giảm lượng giống gieo sạ:
Tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân
Thứ Tư, 07/09/2016 08:23 SA

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ triển khai tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa - Ảnh: TRÂM TRÂN

Vụ lúa hè thu 2016, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ chỉ còn 80kg/ha. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai, cuối vụ ruộng mô hình cho năng suất đạt trên 71 tạ/ha.

 

Mô hình triển khai tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với diện tích 15ha, gieo sạ giống lúa ĐV108, cấp nguyên chủng, mật độ sạ 80kg/ha (tức 4kg/sào 500m2). Mô hình được áp dụng dựa trên kỹ thuật chương trình “1 phải 5 giảm” (“1 phải” là phải sử dụng giống xác nhận, còn “5 giảm” bao gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón (đạm), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch) của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đồng thời thực hiện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống lúa ĐV108 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ ban hành. Trong đó chú trọng đến các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lượng giống gieo sạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh...

 

Để đối chiếu với mô hình giống ĐV108, bên ngoài mô hình, nông dân sản xuất đại trà một số giống lúa như: ML48, ML213, OM 6976, ĐV108, PY. Cuối vụ năng suất giống lúa ĐV108 trong mô hình đạt 71,12 tạ/ha, tăng so với ruộng đối chứng 2,05 tạ/ha (ruộng đối chứng chỉ đạt 69,07 tạ/ha). Hiệu quả kinh tế của mô hình này cho thấy, với năng suất 71,12 tạ/ha thì tổng thu nhập ở mô hình đạt trên 42,6 triệu đồng, cao hơn ruộng sản xuất đại trà trên 1,2 triệu đồng. Như vậy chênh lệch về tổng thu nhập trên 1,2 triệu đồng là không đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ruộng mô hình đã tiết kiệm một số chi phí như vật tư, công lao động… nên lãi ròng giữa mô hình và sản xuất đại trà có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, chi phí đầu tư cho một hécta trong mô hình thấp hơn so với sản xuất đại trà là 3,3 triệu đồng; trong đó chi phí giống, vật tư, phân bón ở mô hình giảm so với sản xuất đại trà 1,8 triệu đồng. Ruộng mô hình cho lãi ròng 24 triệu đồng/ha, cao hơn trên 4,5 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất đại trà.

 

Tại buổi hội thảo đầu bờ, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc HTX Tây Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết: Giống ĐV108 là giống nhiễm rầy, ban đầu sản xuất giống này bà con không mặn mà vì sợ bùng phát rầy nhưng khi sản xuất theo mô hình giảm mật độ gieo sạ nên khống chế rầy, lúa trổ đẹp, năng suất cuối vụ có đám đạt gần 80 tạ/ha. Thông qua mô hình, 30 nông dân ngoài mô hình đã được tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống lúa này và khoảng 100 lượt người được tham quan học tập.

 

Ông Hàn Khoa Định, nông dân tham gia mô hình ở xã Hòa An, cho hay: Ban đầu tham gia mô hình sạ 4kg/sào, có người thấy thưa nên “lén” thêm giống lên đến 6kg/sào; riêng tôi vẫn giữ nguyên mức giảm mật độ gieo sạ theo mô hình triển khai. Hồi mới làm thấy sợ vì sạ thưa quá, khi trổ đòng, ruộng tôi mã lúa đẹp nhất cánh đồng này. Còn ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa), tham quan mô hình, cho biết: Vụ hè thu này, trên cánh đồng giống tại HTX Hòa Trị 2 đã gieo sạ 20ha, cũng giống lúa ĐV108 của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ. HTX áp dụng quy trình kỹ thuật dựa trên hướng dẫn kỹ thuật chương trình “1 phải 5 giảm”, năng suất lúa vừa thu hoạch đạt 80 tạ/ha.

 

TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, chia sẻ: Tập quán sản xuất của người dân Phú Yên là sử dụng lượng giống còn khá cao (140-160kg/ha) nên việc áp dụng quy trình sản xuất với mật độ 80kg/ha còn mới mẻ, người dân chưa quen. Do đó ngay từ đầu vụ, trước khi gieo cấy, tại điểm mô hình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân tham gia mô hình. Phương pháp truyền đạt theo cách “cầm tay chỉ việc”, gắn lý thuyết với thực hành theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa để nông dân dễ tiếp thu và nhớ kỹ hơn.Trong các buổi tập huấn, giảng viên giới thiệu kỹ từng giai đoạn như chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hoạch bằng tài liệu và hình ảnh thực tế để nông dân nắm chắc quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn thực hành trên đồng ruộng để người sản xuất nắm chắc kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân, cấp nước, công tác chuẩn bị cho thu hoạch, phơi sấy, bảo quản.

 

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha thuộc dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ”. Đây là mô hình đầu tiên thực hiện tại tỉnh Phú Yên. Với kết quả đạt được rất tốt, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình, giúp bà con nông dân Phú Yên nói riêng, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

 

TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ

 

LÊ TRÂM

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek