Thứ Tư, 20/11/2024 05:30 SA
Xây dựng nền nông nghiệp xanh
Thứ Tư, 03/08/2016 11:00 SA

Hiện Phú Yên đang triển khai đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu của đề án này là xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết:

 

TS Nguyễn Trọng Tùng - Ảnh: THỦY TIÊN

- Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM - Integrated Pest Management) là hệ thống quản lý dịch hại mà trong khung cảnh cụ thể của môi trường và những biến động quần thể của các loài gây hại, người trồng sử dụng tất cả kỹ thuật và biện pháp thích hợp nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế. Vì vậy, Chương trình IPM hoạt động theo 4 nguyên tắc chính gồm trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thường xuyên thăm đồng và giúp nông dân trở thành “chuyên gia”.

 

* Ở Phú Yên, chương trình được triển khai đến đâu, thưa ông?

 

- Tại Phú Yên, nông dân được huấn luyện và áp dụng Chương trình IPM từ năm 1994 và được duy trì, mở rộng ở hầu hết các địa phương; trên các đối tượng cây trồng như lúa, rau, bông… Tuy nhiên, lứa các lão nông này nay đã cao tuổi không còn tham gia việc đồng áng. Nhiều thế hệ nông dân mới chưa biết và không áp dụng Chương trình IPM vào sản xuất.

 

 Gần đây, khi thông tin quảng cáo về thuốc bảo vệ thực vật “bùng nổ” mạnh mẽ trên các kênh tuyên truyền đã gây nên tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất. Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án Đẩy mạnh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Sở NN-PTNT Phú Yên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc triển khai đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, giai đoạn 2015-2020 tại Phú Yên với một số mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn. Cụ thể như, trên 80% số xã sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng thành thạo về IPM. Trên 70% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM. Trên 70% diện tích gieo trồng các cây trồng chính được áp dụng IPM.

 

Đối với cây lúa, toàn tỉnh phấn đấu có 80% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 10%, lượng giống giảm trên 30%, lượng nước tưới giảm trên 20%; phát thải khí nhà kính giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 10%. Trên cây rau, toàn tỉnh có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 20%, lượng giống giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 30%. Cây công nghiệp cũng sẽ đạt 85% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.

 

Ngoài ra, trong vụ sản xuất hè thu 2016, Sở NN-PTNT cũng đã triển khai 1 lớp đào tạo giảng viên (TOT) trên cây lúa, 4 lớp huấn luyện nông dân kèm theo và mở thêm 12 lớp huấn luyện nông dân khác.

 

Nông dân xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong ảnh: Nông dân xuống đồng khử tạp (nhổ cỏ) cho lúa thay cho việc sử dụng thuốc diệt cỏ - Ảnh: THỦY TIÊN

 

* Vậy sắp tới, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện những việc gì để đẩy mạnh ứng dụng IPM vào sản xuất?

 

- Thực hiện các nội dung tại Kế hoạch 125/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 tại Phú Yên, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết, hiểu và làm theo. Ngành sẽ xây dựng quy trình và các định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng nguồn nhân lực; các mô hình trình diễn và nhân rộng áp dụng IPM trong sản xuất đại trà.

 

Ngoài ra, để Chương trình IPM được thực hiện thuận lợi, các ban, ngành, nhất là các địa phương và bà con nông dân phải cùng hưởng ứng và tham gia thực hiện đạt hiệu quả.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Vai trò của Chương trình IPM trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

 

Khi Chương trình IPM được triển khai, nông dân sẽ được học qua các lớp IPM để áp dụng vào sản xuất với các thay đổi cơ bản như: Sản xuất đúng quy trình kỹ thuật theo hướng thâm canh tăng năng suất; quản lý dịch hại theo hướng tổng hợp, chủ động, hiệu quả cao, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng (nhất là thuốc trừ sâu hại); bảo vệ các loài thiên địch có ích, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, môi trường sinh thái; nhận thức và kỹ năng xử lý tình huống trong sản xuất của người nông dân được nâng cao… Chương trình sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững. Ngoài cây lúa, Chương trình IPM sẽ thực hiện trên các cây trồng khác như cây rau màu thực phẩm và một số cây công nghiệp nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện một số nội dung của đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek