Chi cục Thú y tỉnh đang phối hợp cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết đảm bảo không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc. Việc này nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
NÂNG CAO NHẬN THỨC
Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ tháng 4/2016, các trạm thú y huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi và giết mổ gia súc trên địa bàn về những nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Các đơn vị thuộc Chi cục Thú y sẽ phổ biến những quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm trong việc sử dụng chất cấm, giết mổ gia súc có chứa chất cấm. Đồng thời, Chi cục Thú y, các trạm thú y cơ sở còn tổ chức cho các hộ chăn nuôi, các chủ cơ sở giết mổ ký cam kết không đưa chất cấm vào chăn nuôi và không mua bán, giết mổ gia súc có chứa chất cấm.
Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh Hoàng Kim Chung cho biết: Đến nay, trạm đã rà soát, thống kê số hộ kinh doanh thuốc thú y, chăn nuôi và giết mổ gia súc trên địa bàn. Trạm cũng đã phát tài liệu, tuyên truyền về tính nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe con người; đồng thời cho các hộ kinh doanh, giết mổ gia súc trên địa bàn ký cam kết. Nhờ vậy mà nhận thức của người dân về vấn đề này đã thay đổi đáng kể. Ông Nguyễn Hữu Lĩnh, chủ một điểm giết mổ gia súc ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Vừa rồi, tôi được cán bộ Trạm Thú y và Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn những dấu hiệu nhận biết gia súc có thể nhiễm chất cấm và tác hại của nó đối với con người. Gia đình tôi cũng đã ký cam kết không mua bán, giết mổ gia súc có sử dụng chất cấm. Trong quá trình mua bán gia súc để giết mổ, chúng tôi cũng sẽ ghi chép nhật ký mua bán, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.
Tại huyện Đông Hòa, công tác này cũng đang được triển khai rất khẩn trương. Theo ông Dương Mẫn, Trưởng Trạm Thú y huyện Đông Hòa, hiện nay, địa phương có 42 điểm giết mổ nhỏ lẻ và hàng trăm hộ chăn nuôi heo. Trạm Thú y đã cho các hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc ký cam kết. Ông Lê Văn Thành ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho hay: Gia đình tôi nuôi 10 con heo thịt. Để đảm bảo vệ sinh, khu chuồng nuôi được xây tách biệt với nơi ở của gia đình, có hệ thống xử lý chất thải... Khi được ngành chức năng tuyên truyền vận động ký cam kết không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh bị cấm, gia đình tôi thực hiện ngay vì đây như là chứng nhận đảm bảo heo của mình “sạch” khi bán ra thị trường.
GÓP PHẦN THÚC ĐẨY CHĂN NUÔI AN TOÀN
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc ký cam kết chăn nuôi, giết mổ an toàn sẽ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các hộ chăn nuôi, giết mổ; đồng thời giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn khi phát hiện trường hợp động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm chất cấm. Theo ông Nhĩ, thông qua việc ký cam kết với ngành chức năng, người chăn nuôi sẽ nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình trong thực hiện quy định pháp luật về chăn nuôi, góp phần thúc đẩy chăn nuôi an toàn. Từ đó, người chăn nuôi sẽ tạo ra nguồn cung thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh cung cấp cho thị trường, góp phần tạo niềm tin với người tiêu dùng; đồng thời nâng chất lượng và giá trị chăn nuôi.
Ngoài việc yêu cầu những hộ chăn nuôi, giết mổ cam kết không sử dụng chất cấm, hiện các địa phương, trạm thú y cơ sở còn yêu cầu những hộ chăn nuôi thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Theo đó, người chăn nuôi phải đảm bảo chuồng trại đúng tiêu chuẩn như có bờ bao ngăn không cho gia súc, gia cầm tự do ra khỏi chuồng nuôi hoặc đi vào nơi ở, sinh hoạt của con người; có máng ăn, uống đảm bảo và dễ dàng vệ sinh; có nơi thu gom, xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài khu chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi phải mua con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng thức ăn và nước uống nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn cho vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Người chăn nuôi phải tuân thủ tiêm phòng định kỳ hoặc đột xuất cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, hộ nuôi phải ghi chép và lưu giữ tên thức ăn, thuốc, hóa chất và kháng sinh sử dụng; khai báo kịp thời cho cơ quan chức năng tại địa phương khi có các dấu hiệu đàn vật nuôi bị dịch bệnh; không mua, bán vật nuôi bị dịch bệnh, không đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường.
THỦY TIÊN