Chủ Nhật, 20/10/2024 08:34 SA
Lại lo rệp sáp bột hồng “đeo bám” cây sắn
Thứ Năm, 14/04/2016 11:00 SA

Người dân cắm tre, thả bè trên vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) nuôi vẹm - Ảnh: L.TRÂM

Rệp sáp bột hồng lại phát sinh gây hại trên 43,2ha sắn, giai đoạn cây con, phát triển thân lá tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa… Đây là năm thứ 3 liên tiếp, người trồng sắn lại phải vất vả đối phó với loại sâu hại này.

 

BÙNG PHÁT TRỞ LẠI

 

Hiện nay, trên vùng gò đồi Thạnh Thượng thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), những diện tích sắn trồng 3 tháng tuổi bị rệp sáp bột hồng gây hại cây cao không quá đầu gối người lớn. Bà Trương Thị Thanh, trồng 2 sào sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại, cho hay: Sắn mới trồng thì bị xoăn đọt, sau đó vàng lá, không phát triển được. Năm ngoái, sắn vùng này cũng bị rệp sáp bột hồng, năm nay rệp tiếp tục “đeo bám” cây sắn, có khả năng không cho thu hoạch.

 

Giữa tháng 2 vừa qua, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn giai đoạn 2 tháng tuổi tại xã Xuân Quang 3 trên diện tích 2ha. Đến nay đã lây lan ra các xã Xuân Quang 1, Xuân Sơn Nam, Xuân Phước, Xuân Lãnh và thị trấn La Hai trên diện tích 12ha với tỉ lệ gây hại từ 5-10%. Trước đó, năm 2015, rệp sáp bột hồng gây hại hơn 140ha sắn tại huyện Đồng Xuân, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ sắn. Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Bảo vệ thực Vụ sắn năm nay cũng giống như năm ngoái, rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu mùa nắng nên khả năng lây lan nhanh gây hại trên sắn non làm giảm năng suất.

 

Tại các xã Hòa Phú, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), rệp sáp bột hồng tiếp tục gây hại sắn. Nhiều diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại dẫn đến còi cọc, chậm phát triển. Ông Trần Minh Nhẩn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa, nhận định: Vào mùa mưa, rệp sáp bột hồng tự chết. Còn hiện nay, chúng xuất hiện đầu mùa nắng nên khả năng lây lan nhanh. Vì vậy thời gian đến, rệp sáp bột hồng có khả năng gây hại các vùng trồng sắn trong huyện.

 

Tại huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, rệp sáp bột hồng xuất hiện trở lại làm cho nông dân lo lắng: Ông Đinh Văn Long, nông dân ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), nói: Sắn mới trồng đầu vụ gặp nắng hạn kéo dài đã bị héo lá, rồi tiếp tục bị nhiễm rệp sáp bột hồng nên sắn không phát triển được.

 

TÍCH CỰC PHÒNG TRỪ

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, năm 2015, rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu tiên tại xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), sau 1 năm, bệnh lây lan sang 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An với diện tích bị nhiễm bệnh là 18ha. Còn hiện nay, rệp sáp bột hồng tiếp tục “đeo bám” gây hại 43,2ha, tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa... Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với các địa phương vận động người dân tiêu hủy bằng cách ngắt đọt sắn rồi gom lại đốt nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng. ThS Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, phân tích: Rệp sáp bột hồng là loại bệnh mới xuất hiện nhưng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Rệp sáp bột hồng lây lan do gió, nó có thể bám vào quần áo khi người trồng vận chuyển cây giống đã bệnh. Vì vậy, giải pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng là nông dân khi làm đất trồng sắn phải tiêu hủy tàn dư cây sắn bị nhiễm rệp và cây ký chủ phụ. Người trồng nên chọn hom giống không bị nhiễm rệp sáp bột hồng để trồng và phải xử lý hom giống trước khi trồng. Người trồng phải chăm sóc tốt để cây sắn phát triển nhanh, tăng sức chống chịu dịch hại. Sắn phải được trồng với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu rệp.

 

Sự xâm nhập của rệp sáp bột hồng trên các ruộng sắn ở Phú Yên tương đương với những vùng sắn khác đã được điều tra ở Việt Nam. Rệp sáp bột hồng là “dịch hại ngoại lai” (xuất phát từ Nam Mỹ) nên chúng rất khỏe và không bị thiên địch tiêu diệt. Rệp sáp bột hồng tăng mạnh về số lượng trong suốt thời kỳ đầu của mùa khô. Điều này có thể gây nên sự thiệt hại đồng ruộng cục bộ, đặc biệt ở những vùng khô hạn. Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng, việc đầu tiên mà người trồng sắn nên làm là phải quản lý đồng ruộng tốt hơn, gia tăng sức khỏe cây trồng. Bón phân hữu cơ, luân canh và xen canh cũng là các giải pháp làm giảm sự gây hại của sâu bệnh, bao gồm cả rệp sáp bột hồng.

 

TS Ignazio Graziosi, chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á

 

TRÂM TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek