Thứ Ba, 22/10/2024 08:29 SA
Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản:
Hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại
Thứ Hai, 28/03/2016 11:00 SA

Nhờ có đầu ra ổn định nông dân trồng mía an tâm đầu tư cây mía. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch mía bằng máy cơ giới - Ảnh: T.TIÊN

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Qua đó, sản phẩm nông nghiệp được đảm bảo đầu ra, còn nông dân thì an tâm đầu tư, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

YÊN TÂM ĐẦU TƯ SẢN XUẤT

 

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên là tỉnh nông nghiệp với tổng diện tích sản xuất cây nông nghiệp hàng năm khoảng 140.000ha, bình quân mỗi năm toàn tỉnh đưa ra thị trường khoảng 2,3 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư toàn diện, đặc biệt ở khâu đầu ra nên nông dân thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá hoặc được giá, mất mùa. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chú trọng đến việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Ông Trần Thanh Hội ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), cho biết: Gia đình tôi có hơn 10ha đất trồng mía, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 700 tấn mía. Nhờ sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu của Nhà máy đường KCP nên không phải lo đầu ra, gia đình tôi an tâm đầu tư, thâm canh tăng năng suất cho cây mía.

 

Tại huyện Tuy An, từ năm 2005 đến nay, HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp đã quy hoạch khu đồng rộng 36ha chuyên trồng lúa giống với khoảng 150 hộ dân tham gia sản xuất để cung cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ cây trồng Quy Nhơn và Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Nam. Sau mỗi mùa vụ, sản lượng lúa thu hoạch đều được hai công ty này thu mua toàn bộ. Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp Trần Tấn Khoa cho hay: Theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, trước khi bước vào vụ, hai công ty này cung cấp giống cho bà con canh tác, đến cuối vụ, tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được thu mua với giá thành cao hơn từ 800-1.000 đồng/kg so với giá thị trường (tại thời điểm thu). Nhờ vậy, những hộ dân tham gia sản xuất trong mô hình không còn phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, lại có lợi nhuận cao hơn hẳn.

 

Trong khi đó, tại huyện Phú Hòa, chính quyền địa phương cũng đã triển khai một số mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình trồng diệp hạ châu cung ứng cho Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung tại các xã Hòa An, Hòa Quang Nam…; dự án trồng bắp cao sản trên diện tích hơn 27ha để cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Invivo của Pháp thông qua Công ty Vạn Thắng.

 

Bà Trương Thị Hoa ở thôn Mậu Lâm Nam, xã Hòa Quang Nam, cho biết: Vụ đông xuân này, gia đình tôi không trồng lúa mà chuyển hết 8 sào đất sang trồng bắp cho dự án của Công ty Vạn Thắng. Theo cam kết từ đầu vụ, khi kết thúc vụ trồng, công ty này sẽ thu mua hết sản lượng bắp thu hoạch được, với giá thành 3.100 đồng/kg (tươi) nếu đạt năng suất trên 8 tấn/ha, còn dưới 8 tấn/ha sẽ thu mua với giá 3.000 đồng/kg. Khi tham gia sản xuất cho dự án, chúng tôi thương lượng giá bán ngay từ đầu vụ nên chủ động trong sản xuất.

 

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT THEO CHUỖI

 

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai được một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cho nhiều loại nông sản, tuy nhiên, mô hình liên kết này chỉ mới thực hiện hiệu quả ở cây mía và sắn... Đối với các loại nông sản khác, người dân vẫn phải tự tiêu thụ nên gặp nhiều khó khăn.

 

Để đáp ứng nhu cầu, ổn định được đầu ra cho các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hiện ngành Nông nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, chia sẻ: Địa phương đã làm việc với Tập đoàn Invivo và Công ty Vạn Thắng, trong vụ hè thu tới sẽ mở rộng vùng nguyên liệu bắp cao sản lên khoảng 700ha. Ngoài ra, huyện Phú Hòa cũng xây dựng một số vùng nguyên liệu sản xuất nông sản để cung ứng cho các đơn vị thu mua theo hợp đồng trong thời gian tới như: Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất ớt tại xã Hòa An để cung ứng cho HTX Xuất khẩu nông sản Hiệp Nguyên (Lâm Đồng); quy hoạch vùng chuyên canh trồng gạo sạch tại xã Hòa Thắng và trồng dưa leo xuất khẩu tại xã Hòa An để cung ứng cho Doanh nghiệp Xuất khẩu nông sản Trương Việt (TP Hồ Chí Minh); xây dựng vùng dược liệu chuyên trồng cà gai leo tại xã Hòa Quang Nam.

 

Còn theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, ngoài ổn định vùng nguyên liệu trồng mía, sắn để cung cấp cho các nhà máy, địa phương này cũng đang làm việc với Công ty TNHH Phúc Đặng Gia để xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cao su, giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất…

 

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có sự tham gia và liên kết chặt chẽ giữa nông dân sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại cần đầu tư đẩy mạnh. Thời gian tới, để mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được nhân rộng, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ đó xây dựng được nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek