Thứ Sáu, 25/10/2024 18:26 CH
Công tác dân tộc vùng miền núi:
Đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Bảy, 23/01/2016 13:00 CH

Trong năm qua, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nên vùng miền núi Phú Yên được đầu tư kinh phí, xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đổi thay từng ngày.

 

Được hỗ trợ từ chính sách dân tộc, nhiều hộ đồng bào miền núi được thăm khám, phát thuốc miễn phí - Ảnh: M.DUYÊN

 

HƯỚNG TỚI VÙNG KHÓ

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, dân tộc thiểu số chiếm hơn 24% dân số vùng miền núi và 6,6% dân số toàn tỉnh, với 31 dân tộc, chủ yếu là Ê Đê, Chăm Hroi, Ba Na, Tày, Nùng… Tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi chiếm gần 29% tổng số hộ toàn vùng, với 16.518 hộ nghèo, trong đó có 5.839 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm hơn 45% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Trong năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã đầu tư 25,8 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn và hơn 9 tỉ đồng phục vụ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng công trình. Theo đó, hơn 58 công trình hạ tầng giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi… được xây mới, nâng cấp và sửa chữa; 988 lượt hộ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp cũng như hỗ trợ làm chuồng trại… phát triển sản xuất.

 

Buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội là buôn đặc biệt khó khăn của huyện Phú Hòa. Buôn có 115 hộ đồng bào Chăm Hroi sinh sống. Thụ hưởng các chính sách dân tộc, buôn được đầu tư xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết: Buôn Hố Hầm là buôn tái định cư, tập trung hầu hết đồng bào Chăm Hroi trên địa bàn xã. Những năm trước, buôn không có công trình nước sinh hoạt tập trung khiến đời sống người dân gặp khó khăn, nhất là vào mùa nắng hạn. Năm 2015, buôn Hố Hầm được đầu tư 300 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Nhờ vậy, đồng bào ở đây đã yên tâm an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

 

Trong 3 huyện miền núi thì Sông Hinh và Đồng Xuân là 2 huyện nghèo được hỗ trợ 70% nguồn vốn đầu tư từ Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, năm 2015, hai huyện này được đầu tư 36 tỉ đồng thực hiện 14 hạng mục công trình phục vụ dân sinh, dân trí, phát triển sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó, hai huyện này đã giảm được tỉ lệ hộ nghèo từ 35% xuống còn 31%. Trong 14 hạng mục công trình này, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) được xây dựng 2 công trình trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp. Đó là công trình trạm bơm điện Gò Ổi và trạm bơm điện Phú Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỉ đồng. Từ đây, khoảng 30ha lúa, mía của cánh đồng Triêm Đức và Soi Chùa không còn thiếu nước tưới. Năng suất lúa nhờ thế cũng tăng cao từ trung bình 60 tạ/ha lên 70 tạ/ha.

 

Ông Ngô Văn Ân ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, nói: Ngày trước, mía, lúa không có nước tưới, phụ thuộc vào nước trời nên mùa được, mùa mất. Nay có trạm bơm điện, có hệ thống kênh mương dẫn nước về đồng nên năng suất cây trồng tăng cao. Cây lương thực đã giúp ổn định sinh hoạt, cây mía, sắn cho thêm thu nhập để tích lũy.

 

CHĂM LO CHO CÁC HỘ ĐỒNG BÀO

 

Từ các chính sách dân tộc khác như hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cho vay vốn phát triển sản xuất…, từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đã được chăm lo sức khỏe, tạo điều kiện làm kinh tế hộ gia đình. Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh thì từ chương trình hỗ trợ có mục tiêu với nguồn vốn hơn 3,89 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, các địa phương đã hỗ trợ định canh định cư cho 91 hộ; hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho trên 62.000 người với số tiền gần 5,9 tỉ đồng; phát trên 47.400 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho gần 1.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 10,6 tỉ đồng.

 

Ma Thìn ở buôn Nhum, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), cho hay: Tôi là hộ nghèo, lại lớn tuổi không còn sức lao động nữa nên hàng tháng được Nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng, được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên không tốn tiền trong khám chữa bệnh.

 

Còn theo Sô Hờ Thắm, nông dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), vợ chồng chị có đất, có ruộng rẫy nhưng không có vốn mua cây giống nên phải cho thuê đất, rồi đi làm thuê. Đầu năm 2015 được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 15 triệu đồng, chị đầu tư trồng mía trên diện tích 3ha. “Giờ gia đình tôi đang thu hoạch mía để kịp bán cho nhà máy đường. Ước tính gia đình tôi cũng thu được hơn 100 triệu đồng. Từ đây, tôi sẽ có tiền đầu tư sản xuất cho vụ sau và không còn lo cuộc sống khó khăn nữa”, Sô Hờ Thắm nói.

 

Trong năm qua, vùng miền núi tỉnh thụ hưởng 9 dự án, chính sách, với tổng số tiền trên 76.300 triệu đồng. Từ đây, các địa phương có điều kiện hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống, giúp tỉ lệ giảm nghèo hàng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 4-5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đạt 12-14 triệu đồng/người/năm. 100% thôn, buôn được sử dụng điện lưới quốc gia, gần 75% hộ dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai chính sách dân tộc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek