Thứ Ba, 29/10/2024 06:22 SA
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt:
Nhiều tiện ích nhưng khó thực hiện ở nông thôn
Thứ Hai, 07/12/2015 07:23 SA

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện - Ảnh: N.XUÂN

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích và cũng là xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Từ đầu năm 2012 đến nay, Công ty Điện lực Phú Yên không ngừng nỗ lực đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặttrên toàn tỉnh. Qua một thời gian triển khai, hình thức này đã mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

 

NHIỀU TIỆN ÍCH CHO KHÁCH HÀNG

 

Theo Công ty Điện lực Phú Yên, sau 3 năm triển khai, ngành điện đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, người dân hưởng ứng chủ trương không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện. Đơn vị đã phối hợp với 6 ngân hàng (VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank, Sacombank và DongAbank) triển khai nhiều hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng như trích tiền tự động, internet banking, thanh toán qua ATM, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các hình thức thu tiền điện khác như thu tiền điện qua kho bạc, bưu điện, dịch vụ Bankplus của Viettel... Nhờ vậy, lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 10/2015, số khách hàng sử dụng các dịch vụ này đã lên đến 117.291 khách hàng, doanh thu gần 360 tỉ đồng. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh...

 

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty Chế biến khoáng sản Hùng Dũng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, cho biết: Dịch vụ thanh toán tiền điện tự động qua ngân hàng rất tiện lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây, hàng tháng công ty phải cử kế toán vượt gần 30km xuống thị trấn Hai Riêng thanh toán tiền điện. Bản thân tôi thường xuyên phải đi công tác xa, không ký giấy chuyển tiền được nên thỉnh thoảng bị chậm trễ trong việc thanh toán tiền điện. Sau khi đăng ký dịch vụ thanh toán tự động qua ngân hàng, thì đi đâu, làm gì tôi cũng yên tâm mà vẫn có thể kiểm soát được tiền điện của doanh nghiệp. Còn chị Trần Thi Thu Hằng ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, cho hay: Trước kia, khi nghe thanh toán tiền điện tự động tại ngân hàng tôi cũng rất ngại vì sợ không kiểm soát được số tiền bị trừ trong tài khoản. Tuy nhiên, khi đăng ký dịch vụ, tôi thấy mỗi khi trừ tiền đều có tin nhắn báo cụ thể nên tôi rất yên tâm. Dịch vụ này rất tiện lợi vì tôi đỡ mất thời gian đi trả tiền điện.

 

KHÓ THỰC HIỆN Ở NÔNG THÔN, MIỀN NÚI

 

Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt có rất nhiều ưu điểm, nhưng vẫn gặp phải khó khăn như hệ thống cơ sở hạ tầng của các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành điện. Hiện phòng giao dịch các ngân hàng và trụ ATM chỉ có tại thị trấn trung tâm huyện, người dân các xã giao dịch không thuận lợi; các dịch vụ thanh toán tiền qua điện thoại di động chưa được nhiều người dân quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt mà chưa quen với việc áp dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại để thanh toán phí hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, một số khách hàng có đăng ký trả tiền điện qua ngân hàng nhưng lại quên để lại một khoản tiền trong tài khoản, ngân hàng không trích thanh toán được nên khách hàng đã bị động khi có thông báo ngừng bán điện. Về phía các ngân hàng chưa có chương trình khuyến mãi để thu hút và kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ thu tiền điện qua ngân hàng của mình.

 

Theo ông Trình, hiện khó khăn lớn nhất của việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt chính là nhóm khách hàng các hộ gia đình ở nông thôn, miền núi. Đây là lượng khách hàng chiếm tỉ lệ rất lớn và rất cần hưởng những tiện ích từ dịch vụ thanh toán tự động. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này thường không có thẻ ATM và tài khoản cá nhân, nhưng hàng tháng cũng hay đến giao dịch với ngân hàng để vay vốn, trả lãi vay, thanh toán mua bán, gửi tiền cho con đi học… Do vậy, ngành Điện lực đã đưa ra giải pháp phối hợp các ngân hàng tiếp cận vận động khách hàng thanh toán tiền điện theo hai hình thức: nộp trực tiếp hàng tháng tại ngân hàng hoặc ký gửi ngân hàng tiền điện 6 tháng, một năm và ngân hàng sẽ trích chuyển cho điện lực theo thông báo tiền điện hàng tháng. Đồng thời, ngành Điện lực cũng giới thiệu cách thức thanh toán qua điện thoại di động của ngân hàng Agribank và dịch vụ Bankplus của Viettel để khách hàng có thể thanh toán bất kỳ nơi đâu.

 

Năm 2016, đơn vị đặt ra mục tiêu tăng hơn 10% số khách hàng và hơn 10% doanh thu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Khách hàng khu vực thị trấn, thị xã sẽ thanh toán tiền điện tại ngân hàng, bỏ các điểm thu tập trung khu vực thị trấn và tại các điện lực huyện. Để đạt được mục tiêu trên, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, đặc biệt chú trọng quảng bá cách thức thanh toán qua điện thoại di động để mọi đối tượng khách hàng đều có thể sử dụng dịch vụ này đơn giản và hiệu quả hơn.

 

Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek