Hơn một tháng qua, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên đàn gia súc của huyện Đồng Xuân, ngành Thú y và địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, hiện dịch LMLM vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ dịch phát tán rộng rất cao. Báo Phú Yên trao đổi với ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, xung quanh công tác chống và dập dịch.
Thời gian qua ngành Thú y đã thực hiện những biện pháp gì để khống chế dịch LMLM đang bùng phát tại huyện Đồng Xuân, thưa ông?
- Từ đầu tháng 9 đến nay, dịch LMLM đã xảy ra tại các xã Đa Lộc, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2 làm 111 con gia súc của 49 hộ nuôi bị bệnh. Đến nay, ngành Thú y đã điều trị khỏi 110 con, 1 con bị chết và đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh. Trong thời gian qua, để nhanh chóng dập dịch, ngành Thú y đã phối hợp cùng địa phương triển khai nhiều biện pháp bao vây, khống chế dịch. Đến nay, Chi cục Thú y đã cấp cho huyện Đồng Xuân 300 lít thuốc sát trùng; đồng thời phối hợp cùng với các xã xảy ra dịch tổ chức phun tiêu độc sát trùng các ổ dịch và vùng lân cận theo định kỳ 1 lần/ngày, các vùng khống chế 3 ngày/lần, các vùng đệm 1 tuần/lần.
Song song đó, ngành Thú y cũng tiến hành tiêm vắc xin LMLM nhị tuýp O, A cho đàn gia súc của các xã Đa Lộc, Xuân Lãnh, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2. Hiện các xã này đã tiêm phòng được 5.150 liều trong tổng số 9.800 liều vắc xin được phân bổ.
Ngoài ra, từ khi dịch LMLM xuất hiện trên địa bàn huyện Đồng Xuân, ngành Thú y đã phối hợp cùng địa phương này lập các biển thông báo vùng dịch. Mỗi xã có dịch đều thành lập đội cơ động để kiểm tra, phát hiện và xử phạt các trường hợp mua, bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch. Ngành Thú y cũng tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách nhận biết các dấu hiệu của gia súc bị bệnh LMLM để kịp thời báo cho cơ quan chức năng.
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch LMLM đang xảy ra hiện nay?
- Gần đây, nhất là vào năm 2013, huyện Đồng Xuân đã từng xảy ra dịch LMLM ở gia súc, nhưng khi đó tất cả các mẫu bệnh phẩm sau khi xét nghiệm đều cho kết quả nhiễm LMLM do vi rút tuýp O gây ra. Còn hiện nay, tất cả 6 mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch sau xét nghiệm đều bị nhiễm bệnh LMLM do chủng vi rút tuýp A gây ra. Các ổ dịch cũng đều lây lan ở các xã lân cận nhau tại huyện Đồng Xuân nên có khả năng nguồn dịch phát ra tại chỗ. Đồng thời hiện nay, đàn gia súc của địa phương chỉ được tiêm phòng vắc xin LMLM tuýp O nên nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng là rất cao nếu đàn gia súc không được chủng ngừa vắc xin LMLM nhị tuýp O, A. Vì vậy, Chi cục Thú y đang tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I/2016 với loại vắc xin nhị tuýp O, A cho riêng huyện Đồng Xuân để tạo kháng thể cho đàn gia súc của huyện này chống chọi với dịch.
Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc sát trùng cho gia súc tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân- Ảnh: T.HƯƠNG |
* Nhiều hộ chăn nuôi đang phát triển mạnh đàn heo để phục vụ mùa tết. Vậy làm thế nào để có thể khống chế, không để dịch LMLM lây lan sang đàn heo, gây thiệt hại?
- Đến thời điểm hiện tại, dịch LMLM chỉ mới phát ra trên đàn bò, chưa phát trên đàn heo. Tuy nhiên, không vì thế mà người chăn nuôi chủ quan. Bà con cần tách riêng chuồng nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, thực hiện tiêu độc sát trùng theo định kỳ và đặc biệt nên tiêm phòng vắc xin LMLM cho heo để đảm bảo an toàn với dịch.
Trong thời điểm dịch LMLM đang xảy ra hiện nay, người chăn nuôi tuyệt đối không nên tăng đàn vì nguy cơ phát dịch sẽ rất cao. Đồng thời, bà con nên tuân thủ lịch tiêm phòng của cơ quan thú y đưa ra; thực hiện đầy đủ việc vệ sinh tiêu độc môi trường theo định kỳ; nuôi nhốt gia súc tại chuồng, không nên chăn thả ra ngoài; bổ sung thức ăn thô xanh và khoáng chất, vitamin cho gia súc để tăng cường sức đề kháng…
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)