Những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân (thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) còn chú trọng nghiên cứu áp dụng hiệu quả nhiều mô hình phát triển bền vững (PTBV) như xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh bền vững, đầu tư công nghệ sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…
ỔN ĐỊNH VÙNG NGUYÊN LIỆU
Theo ông Trần Như Thọ, Phó giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, việc triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược PTBV trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hết sức cấp thiết, nhất là đối với đơn vị sản xuất kinh doanh như Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân. Để thực hiện các mục tiêu đó, những năm vừa qua, nhà máy đã chuyển việc đầu tư vùng nguyên liệu từ hướng phát triển diện tích sang hướng tăng năng suất, tăng chất lượng nguyên liệu, tạo việc làm, thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân và nhà máy. Cụ thể, nhà máy khuyến khích nông dân canh tác theo hướng thâm canh, sử dụng phân bón hữu cơ cho vùng nguyên liệu, áp dụng các mô hình trồng xen như sắn xen đậu phộng, bắp… nhằm chống thoái hóa và tăng độ màu cho đất. Ngoài ra, nhà máy còn đóng góp, ủng hộ địa phương khắc phục sửa chữa và xây dựng kiên cố các tuyến giao thông quan trọng của vùng nguyên liệu để giúp nông dân thu hoạch và vận chuyển sắn từ vùng nguyên liệu về nhà máy trong mùa mưa được dễ dàng, thuận lợi và đảm bảo chất lượng nguyên liệu.
Mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh, nhà máy đã đăng ký hỗ trợ huyện Đồng Xuân triển khai một số mô hình PTBV trên địa bàn, trong đó có mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng sắn theo hướng thâm canh bền vững. Theo lãnh đạo Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân thì đây là mô hình phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu của đơn vị. Nhà máy sẽ cam kết đồng hành cùng địa phương thực hiện. Trước mắt, nhà máy sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp cấp và nhân rộng các giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương như KM419, KM98-5 có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn để thay thế dần giống KM94 đã thoái hóa và dễ nhiễm bệnh. “Chúng tôi cũng vận động nông dân thu hoạch và bán sắn trực tiếp cho nhà máy; tránh để nông dân gặp phải tình trạng bị thương lái ép giá, ép sản lượng, thậm chí là phải bán nông sản non. Hiện nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân với chủ trương mua bán, lấy mẫu và thanh toán minh bạch, công khai, rõ ràng, tạo niềm tin và sự gắn bó giữa nông dân với nhà máy”, ông Trần Như Thọ nói.
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, TIẾT KIỆM
Bên cạnh việc đầu tư cho vùng nguyên liệu, tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân còn quan tâm ứng dụng công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên môi trường.
Ông Trần Như Thọ cho biết: Trước đây, khi Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân mới được xây dựng, công nghệ xử lý nước thải còn chưa được đầu tư hoàn thiện nên nước thải ra trong quá trình sản xuất còn có mùi hôi, khiến người dân trong khu vực phàn nàn. Tuy nhiên sau đó, nhà máy đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp CIGAR (Cover In Ground Anaerobic Reactor) để thu hồi khí biogas cung cấp cho hệ thống sấy tinh bột, thay thế hoàn toàn nhiên liệu đốt bằng than đá trước đây. Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường, được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải và giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, được Sở TN-MT cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhà máy còn đầu tư hoàn thiện dây chuyền ép sấy bã sắn tươi; hoàn thiện quy trình ủ vỏ lụa sản xuất phân hữu cơ; nghiên cứu cải tiến dây chuyền, hợp lý hóa sản xuất nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa chất thải phát sinh. Theo ông Thọ, với những việc làm như trên, hàng năm, nhà máy không chỉ tiết kiệm hơn 10 tỉ đồng tiền mua nhiên liệu than đá mà còn giải quyết đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường về khí thải (do đốt than đá) và mùi hôi phát tán từ hệ thống xử lý nước thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm do phơi bã sắn tươi; đồng thời tạo việc làm mới cho nhiều lao động địa phương…
LÊ HẢO