Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Phú Hòa có bốn xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đó là các xã Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Quang Nam. Các xã còn lại đạt từ 14 đến 18 tiêu chí.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở…, thời gian qua, huyện Phú Hòa đã đầu tư xây dựng 7 nhà văn hóa thể thao xã, 26 nhà văn hóa thôn, buôn với kinh phí trên 18,5 tỉ đồng; xây dựng 6 chợ với kinh phí trên 5 tỉ đồng. Đến nay. 37/37 thôn, buôn của huyện Phú Hòa đều có internet. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đã xóa 372 nhà tạm từ nguồn lực nhân dân với kinh phí 350 tỉ đồng…
Theo UBND huyện Phú Hòa, chỉ riêng tiêu chí trường học, thời gian qua, huyện đã đầu tư xây dựng 43 phòng học, sửa chữa nâng cấp 21 phòng, toàn huyện có 25/35 trường đạt chuẩn quốc gia, có 6/8 xã đạt tiêu chí trường học. Ông Trình Ngọc Mẫn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa, cho biết: Từ khi thực hiện xây dựng NTM, trường, phòng học được nâng cấp, sửa chữa, xây mới và được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết phục vụ việc dạy, học và vui chơi. Trường tiểu học, THCS có phòng máy vi tính phục vụ việc dạy tin học trong nhà trường và có website riêng. Ngoài ra, huyện có 26 phòng học tại các trường mầm non có phần mềm trò chơi cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Nếu như năm 2011, bình quân 8 xã trên địa bàn huyện đạt 4,25 tiêu chí về nông thôn mới thì đến cuối tháng 9/2015, huyện Phú Hòa có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, xã Hòa Quang Bắc đạt 18 tiêu chí, 3 xã còn lại là Hòa Định Đông, Hòa Định Tây và Hòa Hội đạt từ 14 đến 16 tiêu chí. Cùng với đó, bình quân thu nhập đầu người ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2011.
ĐỔI THAY Ở CÁC XÃ “CÁN ĐÍCH” NÔNG THÔN MỚI
Xã Hòa Trị được chọn là xã điểm xây dựng NTM của huyện Phú Hòa đã triển khai các mô hình khuyến nông, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất hai vụ lúa chính đạt năng suất cao… Chính vì thế mà cuối năm 2013, xã Hòa Trị đạt 14 tiêu chí, đến tháng 7/2015 xã đạt 17/19 tiêu chí, hiện nay đã hoàn thành 19 tiêu chí. Ông Dương Công Toản, Bí thư đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Hòa Trị, cho hay: Nhờ có chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng hoàn thành, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho việc quy hoạch lại sản xuất, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Xã Hòa Quang Nam có 912ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 819ha đất lúa hai vụ. Những năm gần đây, xã triển khai mô hình cung ứng lúa giống xác nhận trên diện tích gần 400ha (chiếm 40% tổng diện tích lúa của xã), năng suất đạt 75 tạ/ha, cao hơn giống lúa sản xuất đại trà 10 tạ/ha. Ông Trương Văn Hòa, một nông dân ở xã Hòa Quang Nam, cho biết: Mô hình sản xuất lúa chất lượng lợi nhuận bình quân đạt trên 16 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng/ha so với lúa đối chứng.
Ngoài ra, xã Hòa Quang Nam còn đầu tư 389 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa tại 2 thôn Đại Phú, Phú Thạnh và xây dựng sân vận động của xã… Cùng với đó, xã đầu tư nâng chất các tiêu chí, nhất là tiêu chí số 17 về môi trường để xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Diện mạo nông thôn đổi mới, các mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao được nhân rộng, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hiện xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Hòa Thắng, trước đây, các đường nhánh vào thôn Phú Lộc, Mỹ Hòa rất hẹp; vào mùa mưa, đường ngập bùn. Nay đường rộng 4m, lại được bê tông hóa, nông dân vận chuyển lúa bằng xe từ ruộng về nhà chứ không phải gánh như trước. Ông Đào Tấn Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết: Trong các tuyến đường trên có 140 tuyến với chiều dài trên 26km, được nhân dân tự nguyện góp tiền mua vật liệu đá, sạn, cát, hiến đất, tường rào, hàng rào, cây xanh, công lao động với tổng giá trị 7,6 tỉ đồng. Từ phong trào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng phát triển đã thúc đẩy nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển theo.
Qua gần 3 năm triển khai đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, đến nay, xã Hòa An đã huy động được 23 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,4 tỉ đồng… Hiện các tuyến giao thông liên thôn từ thôn Vĩnh Phú đến thôn Ân Niên, các tuyến liên xã đã được đầu tư, nâng cấp tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Theo ông Đoàn Sỹ Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hòa An, khi triển khai xây dựng NTM, mỗi thôn trên địa bàn xã rà soát lại các tiêu chí, nhóm tiêu chí và thực hiện theo hình thức tiêu chí cần thì làm trước để vừa giải quyết nhu cầu của nhân dân vừa phù hợp với khả năng huy động vốn của từng địa phương. Trong quá trình thực hiện phong trào làm đường nông thôn, người dân đều tự nguyện hiến đất, phá tường rào, vật dụng kiến trúc để làm đường.
Theo ông Phạm Khi, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, từ năm 2011, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến tháng 9/2015, toàn huyện huy động được 1.035 tỉ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 13,2 tỉ đồng; ngân sách địa phương trên 78,6 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp gần 182 tỉ đồng; vốn cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ 41,7 tỉ đồng; còn lại là các nguồn vốn khác. |
MẠNH HOÀI NAM