Một số ngư dân ở phường 6 (TP Tuy Hòa) phản ánh việc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên tự hạ công suất máy tàu từ 750CV xuống còn 435CV đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân. Trong quá trình triển khai đóng mới, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên là đơn vị giám sát, thế nhưng khi tàu cá hoàn thành thì đơn vị này cho rằng máy tàu không đạt tiêu chuẩn.
Máy tàu hiệu CUMMINS KTA19G4 của ông Hoa nhưng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên cho là hiệu N14-435E - Ảnh: A.NGỌC |
TỪ 750CV CÒN 435CV
“Chúng tôi đã làm việc với các ngư dân này nhưng do quan niệm tâm linh nên họ không đồng ý tháo máy ra để kiểm tra xi lanh. Để ngư dân sớm đưa tàu cá vào hoạt động, chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo kiểm tra của Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên là loại máy tàu có công suất 435CV. Chi cục đề nghị trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày trả lời ý kiến khiếu nại (25/9/2015), ba chủ phương tiện nêu trên liên hệ với chủ cơ sở bán máy, phối hợp với chi cục để kiểm tra, đo đạc các thông số bên trong của máy. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, đo đạc này, Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên sẽ điều chỉnh hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết”. (Ông Đào Quang Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên) |
Theo ông Trần Kim Hoa, ông cùng các ngư dân Trần Phược, Nguyễn Văn Tiến (cùng ở phường 6) vừa đóng mới tàu cá để đánh bắt xa bờ với nghề chính là câu cá ngừ đại dương. Các hộ dân này sử dụng vốn tự có của gia đình và vay ngân hàng, mỗi tàu đóng mới trị giá hơn 2,2 tỉ đồng. Ba con tàu này cùng kích thước, dài 17,5m, rộng 5,15m, chiều cao mạn 2,6m và cùng sử dụng một loại máy CUMMINS KTA19G4 có công suất ghi trên máy là 750CV. Để đảm bảo việc đóng mới và đăng kiểm, ông Hoa cùng các ngư dân nói trên đã làm tất cả các thủ tục và ký hợp đồng thuê Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) Phú Yên giám sát quá trình đóng tàu. “Tôi có hỏi thăm ngư dân Võ Văn Lành (phường 6) đã mua loại máy này và cũng đã hỏi ý kiến của ông Võ Văn Thu, Trưởng phòng Đăng kiểm Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên. Ông Thu cho biết loại máy ký hiệu nêu trên có công suất 750CV và ông Võ Văn Lành đã được chi cục đăng kiểm với công suất này. Khi mua máy, tôi cũng đã báo với Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên để cử kiểm định viên đến giám sát”, ông Trần Kim Hoa cho biết.
Theo ông Hoa, tất cả các khâu từ thiết kế, phê duyệt hồ sơ hoàn công, đến biên bản kiểm định kỹ thuật lần đầu của Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên đều xác định máy lắp đặt trên tàu cá của ông có công suất 750CV. Thế nhưng, khi Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá thì công suất chỉ còn 435CV. Ông Trần Kim Hoa bày tỏ: “Cùng một loại máy như nhau, nhưng vì sao Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên lại chứng nhận công suất máy ba tàu cá của chúng tôi chỉ còn 435CV, trong khi loại máy đó lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Võ Văn Lành lại công nhận 750CV? Nếu trong quá trình giám sát thi công, Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên trả lời loại máy CUMMINS KTA19G4 không đạt công suất 750CV thì chúng tôi đâu có mua, đến khi máy đã lắp đặt xong thì chi cục lại hạ công suất xuống còn 435CV. Bên cạnh đó, trên máy tàu ghi rõ là loại máy CUMMINS KTA19G4, nhưng đăng kiểm lại ghi loại máy N14-435E. Việc ghi sai loại máy và hạ công suất từ 750CV xuống còn 435CV đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân. Phú Yên nói riêng, các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung đều khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển. Thế nhưng, cách đăng kiểm của Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên lại rất khó hiểu và gây khó khăn cho ngư dân”.
MÁY CŨ NÊN KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN
Theo Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên, văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán được cấp cho chủ tàu là văn bản đồng ý về mặt chủ trương. Việc khẳng định công suất, kích thước của tàu chỉ được đăng kiểm viên kiểm tra đo đạc khi thực hiện các bước nghiệm thu kỹ thuật theo quy định và được thể hiện trong hợp đồng giám sát kỹ thuật. Ngày 28/5/2015, Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên cấp phiếu duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho tàu cá dự kiến đóng mới của các ông Trần Phược, Trần Kim Hoa và Nguyễn Văn Tiến trên cơ sở thiết kế do Công ty TNHH Dịch vụ đóng sửa tàu thuyền Phú Yên thiết kế (máy chính CUMMINS KTA19G4, công suất 755CV). Theo quy định, các cơ sở đóng sửa tàu thuyền căn cứ vào thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt để đóng mới tàu cá. Sau khi hoàn thành con tàu, chủ tàu phải thuê đơn vị thiết kế sao lập hồ sơ hoàn công để phản ánh các kết cấu, bố trí và tính toán thuyết minh phù hợp với thực tế con tàu đã thi công và hồ sơ thiết kế trên phải được cơ quan đăng kiểm xét duyệt.
Ngày 9/6/2015, Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên ký hợp đồng giám sát kỹ thuật đóng mới tàu cá với ba chủ tàu nêu trên. Ngày 31/7/2015, đăng kiểm viên tàu cá cấp biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu cho tàu cá của các ông Trần Phược, Trần Kim Hoa và Nguyễn Văn Tiến, với kết quả kiểm tra: Máy chính CUMMINS KTA19G4, công suất 750CV. Theo ông Đào Quang Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên, trên cơ sở tham chiếu catologue máy CUMMINS KTA19G4, nếu máy của các chủ tàu thuộc dòng máy này thì đường kính xi lanh phải có số đo 159mm. Tuy nhiên, qua kiểm tra đo đạc ngày 3/9/2015, với chiều dài toàn bộ lốc máy là 1.100mm thì có thể nội suy số đo đường kính xi lanh của các máy kiểm tra không đạt 159mm. Điều đó xác định máy mà chủ tàu đang lắp không thuộc dòng CUMMINS KTA19G4, như vậy không phải công suất 750CV. Các biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu được xác lập với công suất 750CV đối với tàu cá của ông Võ Văn Lành trước đây được đăng kiểm viên kiểm tra và xác lập trên cơ sở căn cứ các thông tin trên nhãn máy, nhưng chưa có tài liệu kỹ thuật để kiểm tra đối chiếu cho nên đã xác lập công suất 750CV. Trong thực tế hiện nay, ngư dân sử dụng chủ yếu máy thủy đã qua sử dụng, thiếu tài liệu kỹ thuật, thiếu lý lịch máy, đồng thời các cơ sở buôn bán cung cấp một số máy có gắn nhãn máy chưa phản ánh đúng thực chất kiểu loại máy đó, có công suất khác biệt với công suất thực mà nhà sản xuất thiết kế chế tạo. Do vậy, kết luận về mức công suất máy tại biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu được xác lập ngày 3/9/2015 là có cơ sở kỹ thuật và thực tiễn, đồng thời sẽ phủ nhận kết quả kiểm tra của đăng kiểm viên trước đó.
Ông Đào Quang Minh cho rằng: Việc đăng kiểm viên Võ Văn Thu lập biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu ghi ký hiệu máy tàu cá của ông Trần Kim Hoa và hai ngư dân khác là ghi theo ký hiệu trên máy. Tuy nhiên quyết định sau cùng vẫn là của lãnh đạo Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên, vì khi kiểm tra lại thì thấy máy này không phải là loại máy CUMMINS KTA19G4, mà thực chất là máy N14-435E.
ANH NGỌC