Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, rừng trồng có tăng nhưng rừng tự nhiên lại giảm. Nguyên nhân chính là do nạn phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép diễn biến ngày càng phức tạp. Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát và thu hồi đất các dự án không hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích, diện tích lấn chiếm trái phép để đầu tư trồng lại rừng.
KHÓ KHĂN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo UBND huyện Phú Hòa, hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, ý thức bảo vệ rừng của người dân chưa cao. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, thậm chí còn buông lỏng trong công tác bảo vệ rừng, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng chưa tốt. Ông Lê Ngọc Tính, Quyền chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn huyện, việc rà soát, chuyển mục đích sử dụng đất rừng chưa kịp thời, công tác bảo vệ rừng chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Một số xã, thị trấn được giao quản lý rừng nhưng thiếu về nhân lực, tài chính nên xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá, lấn chiếm; nổi cộm nhất là ở xã Hòa Quang Bắc”.
Theo đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt từ tháng 2/2012, phấn đấu đến năm 2015, việc giao, cho thuê khoảng 165.000ha rừng và đất lâm nghiệp đến các chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế, các hộ gia đình để quản lý, bảo vệ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, do kinh phí chưa được phân bổ nên vẫn chưa thực hiện giao rừng, cho thuê rừng theo tiến độ đề ra. Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: “Tại xã Sơn Thành Tây, ngành Lâm nghiệp đã giao lại cho địa phương khoảng 1.880ha đất rừng để giao khoán các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên đến nay, công tác giao khoán chưa thể triển khai, bởi khi giao khoán phải lập lại bản đồ hiện trạng, lập phương án giao đất và đo đạc nhưng tỉnh chưa cấp kinh phí”.
SỚM TRỒNG BỔ SUNG RỪNG
Theo ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT), trồng rừng phòng hộ, đặc dụng có suất đầu tư là 15 triệu đồng/ha/4 năm chỉ đủ thực hiện trong năm đầu tiên; suất đầu tư như vậy rất khó để vận động người dân nhận khoán trồng rừng. Dự án Hỗ trợ trồng rừng sản xuất đến nay mới lập dự án đầu tư tại ba huyện Tây Hòa, Phú Hòa và Đồng Xuân, trong khi suất hỗ trợ 2,2 triệu đồng/ha là quá thấp nên người dân ít mặn mà tham gia dự án. Công tác lập quy hoạch phát triển nguồn giống, vườn giống trên địa bàn tỉnh chậm triển khai nên chưa chủ động được nguồn giống. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được xác lập và quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính thực tiễn nhưng chưa được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế của địa phương. Công tác phối hợp giữa các địa phương, giữa các lực lượng chức năng vẫn mang tính hình thức, các ban quản lý rừng không đủ nguồn lực để bảo vệ diện tích rừng được giao.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: “Sở NN-PTNT đã kiến nghị Trung ương tăng mức đầu tư trồng rừng phòng hộ từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng/ha/4 năm; mức giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/ha/năm. Sở NN-PTNT cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các huyện rà soát và thu hồi đất các dự án không hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích, diện tích lấn chiếm trái phép để đầu tư trồng lại rừng. Đồng thời xem xét, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho hoạt động giao khoán quản lý bảo vệ rừng, bổ sung biên chế cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng, cấp kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng”.
Theo Sở NN-PTNT, đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 hơn 287.900ha; trong đó, đất rừng đặc dụng khoảng 18.850ha, đất rừng phòng hộ hơn 101.100ha, đất rừng sản xuất hơn 167.930ha. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước năm 2010, Phú Yên có hơn 178.500ha rừng, đến năm 2014, diện tích này tăng lên khoảng 183.500ha (chiếm 36% diện tích tự nhiên của tỉnh). Trong vòng 5 năm (2010-2015), diện tích rừng của tỉnh tăng khoảng 8.430ha, đưa độ che phủ từ 34% lên 35%. Tuy nhiên, rừng trồng có tăng nhưng rừng tự nhiên giảm cả về diện tích và chất lượng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 3.840 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện và xử lý theo quy định. Các hành vi chủ yếu là vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, vi phạm về khai thác gỗ, phá rừng trái phép để trồng sắn, mía. |
ANH NGỌC