Nhiều tiểu thương tại chợ xã An Mỹ (huyện Tuy An) bức xúc trước việc doanh nghiệp quản lý chợ thu các loại phí cao hơn so với mức phí mà tỉnh quy định. Trong khi đó, lãnh đạo xã này cho biết đã giám sát việc thu phí chợ tại… trụ sở xã và khẳng định doanh nghiệp thu phí đúng quy định.
KHÔNG THỐNG NHẤT MỨC PHÍ
Nghị quyết 39/2011 của HĐND tỉnh quy định phí của chợ loại 3: Đối với hộ đặt cửa hàng, cửa hiệu buôn bán cố định, thường xuyên tại vị trí 1 thì chi phí đầu tư xây dựng chợ 5.000 đồng/m2/tháng và phí quản lý chợ 5.000 đồng/m2/tháng; vị trí 2, chi phí đầu tư xây dựng 4.000 đồng/m2/tháng, phí quản lý chợ 4.000 đồng/m2/tháng; vị trí 3, phí quản lý chợ 4.000 đồng/m2/tháng và vị trí 4 phí quản lý chợ 3.000 đồng/m2/tháng. Đối với người buôn bán không thường xuyên, không cố định thì mức phí 1.000 đồng/người/ngày. |
Bà Đỗ Thị Hoa, chủ quầy tạp hóa tại vị trí 1 chợ An Mỹ, bức xúc: “Tôi thuê 8m2 mặt bằng tại chợ để kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm từ nhiều năm nay. Lúc đầu, Ban quản lý chợ chỉ thu phí quản lý chợ 24.000 đồng/tháng, nhưng khoảng một năm nay thì thu đến 48.000 đồng/tháng. Tính ra, mỗi mét vuông mặt bằng tôi phải đóng 6.000 đồng là quá cao so với tình hình kinh doanh ế ẩm như hiện nay. Chúng tôi đã kiến nghị lên xã nhờ can thiệp để doanh nghiệp quản lý chợ giảm phí cho tiểu thương bớt khó khăn, nhưng chờ mãi mà chẳng được giải quyết”.
Theo bà Hoa, ngoài khoản phí quản lý chợ, mỗi tháng bà còn phải đóng 40.000 đồng phí vệ sinh. Tuy nhiên, có thời điểm, rác thải vẫn tràn lan, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều tiểu thương tại chợ. Sự việc chỉ được giải quyết sau khi một số tiểu thương phản ánh lên xã.
Cũng kinh doanh tại vị trí 1 như bà Hoa, nhưng mỗi tháng bà Sáu Lê chỉ đóng 120.000 đồng tiền phí quản lý chợ cho 24m2 mặt bằng thuê, tương đương 5.000 đồng/m2. Còn một tiểu thương khác (xin giấu tên) thuê 8m2 mặt bằng tại vị trí 4 chợ An Mỹ, nhưng mỗi tháng phải đóng phí quản lý đến 40.000 đồng, tương đương 5.000 đồng/m2, trong khi mức phí quy định của tỉnh tại vị trí này chỉ 3.000 đồng/m2. Ngoài ra, mỗi tháng tiểu thương này còn phải đóng 30.000 đồng phí vệ sinh chợ.
GIÁM SÁT TẠI TRỤ SỞ XÃ
Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Công Lâm, Giám đốc DNTN Hai Lâm, cho biết: Doanh nghiệp trúng thầu quản lý chợ xã An Mỹ từ năm 2004 đến nay. Cứ 3 năm, chúng tôi ký hợp đồng quản lý chợ với xã một lần. Ban đầu, mức thầu chỉ 78 triệu đồng/năm, nay tăng lên 156 triệu đồng/năm.
Dù mức thầu tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn không thu tăng các khoản phí đóng góp của tiểu thương. Cụ thể, tiểu thương kinh doanh tại vị trí 1, mỗi tháng đóng 5.000 đồng/m2 phí đầu tư xây dựng và 5.000 đồng/m2 phí quản lý chợ. Đối với tiểu thương kinh doanh tại vị trí 4 thì mức thu là 3.000 đồng/m2/tháng cho mỗi loại phí. Ông Lâm cho biết thêm, lâu nay tiểu thương chỉ đóng phí quản lý, mà không chịu đóng phí đầu tư xây dựng chợ.
Ông Biên Ngọc Dương, Phó chủ tịch HĐND xã An Mỹ, khẳng định: Qua giám sát vào ngày 7/7/2015, HĐND xã nhận thấy DNTN Hai Lâm thu các loại phí của tiểu thương tại chợ xã là đúng với quy định tại Nghị quyết 39/2011 của HĐND tỉnh. Chợ An Mỹ là chợ loại 3, hiện có 119 hộ tiểu thương thuê mặt bằng để kinh doanh, với vị trí 1 và vị trí 4. Ngoài thu phí đầu tư xây dựng và quản lý chợ, doanh nghiệp này còn thu phí vệ sinh 15.000 đồng/tiểu thương/tháng. Qua giám sát, HĐND xã chỉ phát hiện DNTN Hai Lâm không phát hành biên lai khi thu các loại phí của tiểu thương. “Chúng tôi đã yêu cầu DNTN Hai Lâm khi thu phí của tiểu thương phải có biên lai và niêm yết công khai biểu giá từng loại phí để tiểu thương biết và thực hiện”, ông Dương nói.
Không thỏa mãn với giải thích của ông Dương, nhiều tiểu thương cho rằng người của HĐND xã An Mỹ không đến chợ gặp tiểu thương để giám sát việc thu phí của DNTN Hai Lâm nên không biết cụ thể số tiền mà mỗi tiểu thương phải đóng là bao nhiêu. “Tại sao cùng kinh doanh tại một vị trí, nhưng họ (DNTN Hai Lâm - PV) thu phí mỗi người một mức khác nhau. Khi thu, người có biên lai, người thì không; biểu giá của từng loại phí cũng không được niêm yết công khai tại chợ. Chúng tôi có hỏi nhưng họ không giải thích”, một tiểu thương bức xúc.
Khi hỏi HĐND xã giám sát việc thu phí chợ như thế nào, ông Dương nói: Mời đại diện DNTN Hai Lâm đến trụ sở xã để báo cáo, chứ không xuống chợ giám sát. Ông Dương còn cho rằng, dù doanh nghiệp này có thu phí quản lý chợ cao hơn một chút so với mức quy định của tỉnh, nhưng nếu tính chung phí quản lý chợ và phí đầu tư xây dựng thì số tiền mà doanh nghiệp thu được vẫn chưa đủ, nên không sai.
Ông Trần Công Hoan, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh, xác nhận: Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi có nghe tiểu thương ở xã An Mỹ phản ánh phí chợ cao và đã giao xã giám sát hoạt động này của doanh nghiệp. Theo ông Hoan, hình thức giám sát thu phí chợ của doanh nghiệp tại trụ sở xã của HĐND xã An Mỹ không sai. Tuy nhiên, để khách quan hơn, HĐND xã này nên tiến hành khảo sát tại chợ để ghi nhận ý kiến của tiểu thương, như vậy mới giám sát được hoạt động thu phí của doanh nghiệp.
Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, ông chưa nghe UBND xã An Mỹ báo cáo việc DNTN Hai Lâm thu phí chợ không có biên lai và không niêm yết biểu giá phí. Sắp tới, huyện sẽ yêu cầu xã báo cáo sự việc để có hướng xử lý.
MINH ĐĂNG