Cầu Long Phú (xã An Cư, huyện Tuy An) đã được thông tuyến gần 2 năm nhưng đến nay, công trình này vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh để nghiệm thu, đưa vào sử dụng vì vướng mặt bằng, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu.
Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng BQL DATL-PCTT tỉnh, cho biết: Công trình cầu Long Phú được đầu tư từ nguồn kinh phí của vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009-2015. Nếu trong năm nay, công trình chưa hoàn thiện, không giải ngân hết vốn thì sẽ bị thu hồi vốn. Để không bị mất vốn, ban đã kiến nghị với UBND tỉnh xin dừng đầu tư đoạn đường dẫn phía bắc (đoạn chưa thể giải tỏa), chuyển số kinh phí này mở rộng thêm hạng mục khác của cầu Long Phú, đảm bảo kịp tiến độ giải ngân nguồn vốn. |
Công trình cầu Long Phú thuộc dự án Nạo vét, thoát lũ cửa biển Tân Quy, có tổng mức đầu tư gần 78 tỉ đồng do Ban quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh (BQL DATL-PCTT) làm chủ đầu tư và tổng thầu Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành thi công. Cầu Long Phú bắc qua đầm Ô Loan, nối liền với 2 thôn Phú Tân 1 và Tân Long (xã An Cư) với quy mô cầu bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực dài hơn 216m, rộng 7,5m; 2 tuyến đường dẫn đầu cầu dài hơn 1,3km bằng bê tông xi măng và tuyến đường hoàn trả dài hơn 1,2km cũng bằng bê tông xi măng.
Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng BQL DATL-PCTT tỉnh, cho biết: Công trình cầu Long Phú được khởi công từ tháng 3/2012, đến đầu năm 2014 được thông tuyến, đảm bảo ổn định cho hoạt động giao thông của nhân dân các xã phía bắc đầm Ô Loan và góp phần thoát lũ nhanh cho vùng thượng lưu, cũng như làm đẹp thêm cảnh quan tại khui di tích danh thắng Đầm Ô Loan. Tuy nhiên, chỉ vì vướng mặt bằng đoạn cuối tuyến đường dẫn phía bắc cầu mà công trình phải đình trệ, kéo dài mãi đến nay, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu.
Ông Phạm Hoàng Trí, cán bộ giám sát bên A (thuộc BQL DATL-PCTT), cho biết: Tuyến đường dẫn phía bờ bắc cầu dài khoảng 630m, đến nay 530m đầu (tính từ phía cầu) đã được xây dựng xong, trong đó khoảng 300m đã được đổ bê tông xi măng, còn khoảng 100m cuối tuyến đi qua đất của hộ ông Huỳnh Văn Thám vì không thể giải phóng mặt bằng nên công trình phải tạm dừng trong một thời gian dài. Nhiều phương án được đưa ra giải quyết, vận động nhưng không có kết quả. Cuối năm 2014, sau khi làm việc với UBND huyện Tuy An về vấn đề này, đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có kết luận cho chỉnh tuyến đoạn đường dẫn bờ bắc công trình cầu Long Phú để không ảnh hưởng đến đất của hộ ông Huỳnh Văn Thám.
Sau khi có thông báo chỉnh tuyến, BQL đã phối hợp với đơn vị thiết kế lập hồ sơ điều chỉnh, nắn tuyến dẫn vào cầu phía bờ bắc sang trái (tính từ phía cầu) và đã hoàn tất thủ tục ngay sau đó. Đoạn tuyến mới này được điều chỉnh dịch ra khỏi khu đất của hộ ông Thám nhưng vẫn vướng phải đất hoa màu và nhà ở của 7 hộ dân khác nên công trình vẫn chưa thể thi công, đang tiếp tục chờ giải tỏa. Theo ông Nguyễn Văn Đát, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, đại diện tổng thầu thi công, công trình cầu Long Phú bị vướng giải phóng mặt bằng kéo dài gần 2 năm nay, nhà thầu không thể thi công hoàn thiện công trình để nghiệm thu, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Điều này còn khiến công tác bảo dưỡng, bảo vệ công trình gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, phát sinh thêm nhiều chi phí…
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy An, cho biết: Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đường dẫn phía bắc cầu Long Phú, hiện địa phương đã hoàn tất việc đo đạc, ra quyết định thu hồi đất, lập phương án bồi thường và đang trình hội đồng thẩm định. Khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường. Riêng 2 hộ có nhà ở giải tỏa, xã An Cư đang làm khu tái định cư sẽ tái định cư cho 2 hộ này.
Cầu Long Phú cũ gây cản trở hoạt động khai thác thủy hải sản
Chiếc cầu Long Phú cũ được xây dựng từ năm 1987, liền kề với cầu Long Phú mới hiện nay, có chiều dài hơn 120m, rộng 3m, bắc qua đầm Ô Loan, nối liền 2 thôn Phú Tân 1 và Tân Long (xã An Cư, huyện Tuy An). Đầu năm 2015, xã An Cư đã chỉ định thầu một đơn vị xây dựng tháo dỡ toàn bộ cầu Long Phú cũ, với khối lượng khoảng hơn 2.000m3 đá và một số hạng mục khác gắn liền với cầu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị thi công đã ngừng việc tháo dỡ chiếc cầu này.
Do vậy, hiện nay chiếc cầu Long Phú cũ trở thành đê bao, ngăn nước từ thượng lưu đổ về vùng hạ lưu và gây rất nhiều khó khăn, cản trở đối với ghe thuyền của ngư dân khi lưu thông tham gia khai thác thủy hải sản trên đầm Ô Loan.
Ngư dân ở đây đang mong chờ chính quyền xã An Cư tiếp tục tháo dỡ chiếc cầu Long Phú cũ, nhằm tạo thông thoáng dòng chảy trên đầm Ô Loan, ổn định hoạt động khai thác thủy hải sản, góp phần thoát lũ nhanh vùng thượng lưu cũng như làm đẹp cảnh quan tại khu di tích danh thắng đầm Ô Loan.
KHẮC NHO |
THỦY TIÊN