Từ năm 2009, một số hộ nông dân ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang trồng đậu phộng. Đến nay, xã Hòa Xuân Tây có 25ha đậu phộng, nhiều gia đình đã thoát nghèo, khá giả nhờ loại cây trồng này.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả này của xã Hòa Xuân Tây, người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng bắt đầu trồng đậu phộng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 60ha đất trồng đậu phộng. |
Theo UBND xã Hòa Xuân Tây, cây đậu phộng “bén duyên” trên các chân ruộng ở địa phương từ năm 2009. Ban đầu, một số hộ dân có diện tích đất lúa ở khu đồng Lão thường xuyên bị thiếu nước tưới trong vụ hè thu, năng suất lúa bấp bênh, kém hiệu quả nên bà con đã chuyển đổi sang trồng đậu phộng. Sau khi trồng thử giống đậu phộng BT25, cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, năng suất đạt cao. Từ đó, nhiều hộ dân đã học tập và chuyển đổi theo.
Bà Nguyễn Thị Hoài ở thôn Nam Bình 1, cho biết: Nhà tôi có 2 sào lúa nằm ở khu vực cao, xa, khó lấy nước nên vào vụ hè thu thường xuyên bị khô hạn, cây lúa kém phát triển, năng suất thấp, cho thu nhập bấp bênh. Hai năm trước, tôi đã chuyển 2 sào đất lúa này sang trồng đậu phộng và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Theo bà Hoài, cây đậu phộng cũng có thời gian sinh trưởng 3 tháng tương đương với cây lúa. Nếu đậu phộng trồng vào vụ đông xuân sẽ cho năng suất bình quân trên 300kg/sào, còn vụ hè thu năng suất thấp hơn, khoảng hơn 200kg/sào. Với giá thu mua từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg đậu phộng như năm nay thì mỗi sào đậu phộng cho lãi khoảng 2,5 triệu đồng ở vụ hè thu và khoảng 5 triệu đồng ở vụ đông xuân. So với trồng lúa, thì trồng đậu phộng lãi gấp 3 đến 4 lần.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Phó giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1, cho biết: Đậu phộng là loại cây dễ trồng. Hạt giống sau khi ngâm nước từ 3 đến 4 tiếng, đem ủ từ 10 đến 12 tiếng cho rễ mầm nhú ra là có thể trồng. Để có năng suất cao, người dân cần trồng đậu phộng theo hàng, mỗi hàng cách nhau từ 25 đến 30cm, trên hàng chọc các lỗ để gieo đậu với khoảng cách giữa các lỗ từ 20 đến 25cm, mỗi lỗ gieo từ 2 đến 3 hạt giống, hạt giống phải được chôn sâu dưới đất khoảng 3cm. Cả vụ, người trồng chỉ cần bón hai lần phân và thường xuyên làm cỏ cho cây phát triển tốt. Điều thuận lợi là thị trường tiêu thụ đậu phộng rất rộng, sau thu hoạch có thương lái đến mua tận ruộng nên người dân không cần lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.
Trồng đậu phộng cho hiệu quả kinh tế vượt trội nên hiện nhiều hộ dân ở xã Hòa Xuân Tây không chỉ trồng loại cây này trên đất lúa bấp bênh mà còn chuyển đổi nhiều diện tích đất màu sang trồng đậu phộng. Ông Huỳnh Tấn Thành ở thôn Nam Bình 1, cho hay: Ban đầu, nhà tôi chỉ trồng đậu phộng trên các diện tích ruộng thiếu nước ở đồng Lão, thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao nên tôi đã chuyển đổi đất màu để trồng thêm. Đến nay, gia đình tôi có được 5.000m2 đất trồng đậu phộng; bình quân mỗi vụ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi có điều kiện xây nhà, nuôi con ăn học… Tương tự, hộ ông Nguyễn Nhật Hòa ở thôn Nam Bình 2 cũng có 8 sào đất màu chuyên canh cây đậu phộng. Ông Hòa cho hay: So sánh giữa các loại cây trồng khác và cây đậu phộng thì loại cây này cho hiệu quả cao hơn nhiều. Do đó, gia đình tôi đã chuyển hết 8 sào đất màu trước đây chuyên trồng dưa và bắp sang trồng đậu phộng. Để tránh chai lỳ đất và phát sinh nhiều loài sâu bệnh gây hại cho cây đậu phộng, gia đình tôi áp dụng mô hình trồng luân canh giữa cây đậu phộng với dưa hoặc bắp. Nhờ vậy, 8 sào đậu phộng của gia đình tôi rất ít bị sâu bệnh gây hại.
Theo ông Nguyễn Ngon, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, hiện toàn xã có 25ha đất trồng đậu phộng, được bà con trồng luân canh với lúa, bắp, dưa… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Thời gian tới, địa phương tiếp tục hướng dẫn, vận động bà con chuyển đổi những khu đồng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
SƠN CA