Trước đây, ở miền núi, vào mùa khô hạn, những diện tích sản xuất nông nghiệp nằm xa sông suối, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thường bị mất trắng hoặc giảm sản lượng. Hiện nay, người dân địa phương đã tìm cách đào nhiều hồ, ao để khắc phục tình trạng này.
Với đồng bào miền núi, việc cây trồng bị giảm năng suất vì thiếu nước vẫn thường xảy ra. Ông Nguyễn Bông ở buôn Ma Nhe, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), cho biết: Nhà tôi có 15ha mía nằm cách suối khoảng 200m, không thể lấy nước về tưới nên phải nhờ nước trời. Năm nào thời tiết thuận, mía cho sản lượng 1.000 tấn/vụ. Còn gặp năm hạn hán, mía chỉ đạt sản lượng 570 tấn/vụ. Có nước, phân bón mới thấm vào đất, nuôi cây phát triển. Không có nước, mình bón phân hay phun thuốc cũng không có tác dụng gì.
Để khắc phục tình trạng nói trên, nhiều hộ đồng bào đã đào hồ tìm nước, giải “cơn khát” cho cây trồng. Ông Y Blao ở buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), cho biết: Đào giếng chỉ đủ phục vụ sinh hoạt gia đình vì lượng nước trong giếng không đủ tưới cho diện tích sản xuất rộng tới vài ha. Nhà tôi có 3ha mía, sắn, lúa nước và 7 con bò. Để chủ động nước tưới, năm 2013, tôi bỏ ra 13 triệu đồng thuê thợ đào một cái hồ rộng khoảng 40m2, nằm trong phần đất sản xuất của gia đình. Từ khi có hồ, cây trồng được chăm sóc tốt hơn, không gặp cảnh cây chết khô, phải mất trắng như trước đây. Những năm hạn hán nhất, nước trong hồ chỉ còn 1/3, thậm chí 1/4 nhưng nhờ vậy, chúng tôi cũng có được ít nước tưới giải hạn cho cây. Ngoài làm hồ cho gia đình, tôi còn vận động nhiều hộ trong buôn đào hồ, lấy nước tưới cho cây trồng và nước uống cho vật nuôi. Đến nay, trong thôn có 2 hoặc 3 hộ cũng triển khai đào.
Hồ nước không chỉ phục vụ sản xuất cho gia đình người có hồ mà còn giúp các hộ khác khi gặp cảnh nắng hạn. Ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), cho biết: Để đủ nước tưới cho diện tích hơn 20ha mía, sắn, gia đình tôi đã phải đầu tư đào 2 hồ nước và lắp đặt hệ thống nước tưới với bồn chứa nước trên cao, máy bơm, ống dẫn nước dọc theo diện tích trồng mía. Có như vậy, cây mía mới luôn xanh tốt cho năng suất gấp đôi so với điều kiện canh tác bình thường. Cũng nhờ hệ thống này, tôi đã kịp thời khống chế được 3 vụ cháy mía của ruộng ở gần.
Đào hồ không chỉ để lấy nước cho cây trồng, nhiều hộ còn kết hợp thả cá, hình thành mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), giúp tăng thêm thu nhập. Ông Soa Doanh Châu ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: Tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp của gia đình tôi là 9ha, trồng mía, lúa và các hoa màu khác. Tôi đào ao vừa lấy nước tưới cho lúa, mía vừa để nuôi cá, vịt. Có nước, sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi ổn định hơn, không còn lo mất mùa mà thu nhập cũng tăng thêm. Hiện tổng thu nhập của gia đình từ 500 đến 700 triệu đồng/năm.
Đồng hành cùng người dân, Nhà máy đường KCP Sơn Hòa đã đào hồ thí điểm tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), để giúp đồng bào có nước tưới cho cây. Ông Nguyễn Phúc Trí, chuyên viên giám sát nông vụ của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, cho biết: Xã Sơn Phước có 2.160ha đất trồng cây hàng năm, trong đó cây mía chiếm hơn 80% diện tích. Xã này cũng là vùng nguyên liệu mía của nhà máy nên bà con được đầu tư về giống, kỹ thuật chăm sóc và phân thuốc, máy móc. Tuy nhiên, do thiếu nước nên mía vẫn héo, còi cọc và lượng đường giảm rõ rệt. Vì vậy, nhà máy đã đầu tư 60 triệu đồng đào hồ rộng 100m2, cung cấp nước tưới cho 15ha mía. Nhà máy đang có kế hoạch đầu tư thêm nhiều hồ tại các xã khác để giúp bà con bớt khó khăn cũng như khuyến khích người dân đào hồ tìm nước thay vì đào giếng như trước kia.
MINH DUYÊN