Thành phần kinh tế tập thể ở khu vực miền núi có số lượng ít, chất lượng hoạt động chưa cao. Hiện toàn tỉnh có 195 hợp tác xã (HTX) và gần 4.000 tổ hợp tác (THT) nhưng khu vực miền núi chỉ có 29 HTX và 5 THT. Nguyên nhân do các đơn vị chưa tham gia tích cực vào phát triển kinh tế hộ, nên chưa khẳng định được vai trò “bà đỡ” cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền núi.
TIỀM NĂNG BỊ BỎ NGỎ
Ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân đều có tiềm năng để phát triển các HTX, THT trên lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải. Vì phần lớn người dân ở đây sản xuất nông lâm nghiệp, và cần xe tải để vận chuyển mía, sắn tới các nhà máy tiêu thụ trên địa bàn. Tuy nhiên, các HTX ở ba huyện miền núi này lại không bám sát nhu cầu thực tế nên rơi vào tình trạng hoạt động không ổn định. Trong khi đó, một số hộ cá thể đủ điều kiện tham gia thành lập THT, HTX mới thì không mặn mà.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể huyện Sơn Hòa, cho biết: Trên địa bàn huyện, vào thời điểm thu hoạch mía, mỗi ngày có từ 400 đến 600 xe lưu thông. Một số nơi như xã Sơn Định, Sơn Nguyên... có từ 10 đến 16 xe tải do người dân tự sắm; đủ điều kiện thành lập THT, HTX hoạt động trên lĩnh vực vận tải. Thế nhưng, hiện Sơn Hòa chỉ còn 2 HTX đang hoạt động trong tình trạng khó khăn và không có HTX vận tải nào.
Huyện Sông Hinh có 2 HTX nhưng cả hai đều hoạt động trên những lĩnh vực không phải là thế mạnh của huyện nên kém hiệu quả. Đó là HTX Tiền Hải hoạt động trên lĩnh vực quản lý kinh doanh chợ, đã ngừng hoạt động vì không trúng thầu quản lý chợ thị trấn Hai Riêng. HTX Hòa Tùng chuyên về trồng rừng và cung cấp cây giống cũng hoạt động bấp bênh vì không có khách hàng. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Sản xuất nông lâm nghiệp đang mang lại thu nhập chính cho đại bộ phận người dân tại các xã trong huyện, nên rất cần có các HTX, THT tham gia chăm lo thủy lợi, khuyến nông. Nhu cầu là vậy, nhưng chưa có HTX nào đảm đương nhiệm vụ này. Toàn huyện cũng có 19 hộ cá thể phát triển những điểm thu mua nông sản, có thể chuyển đổi hoạt động sang mô hình THT, HTX nhưng đến nay, chưa có nhóm cá nhân nào đăng ký thành lập THT, HTX mới. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại 3 xã Ea Ly, Sơn Giang, Đức Bình Tây, địa phương đã thành lập được 3 THT hoạt động trong lĩnh vực quản lý các công trình thủy lợi, gồm THT Thủy nông Tân Lập, THT Thủy nông Sơn Giang và THT Thủy nông Đức Bình Tây. Tuy nhiên, do mới thành lập nên quy mô của cả ba THT đều còn nhỏ lẻ.
NẶNG TƯ DUY CŨ
Về cơ bản, mô hình HTX phù hợp với cách làm kinh tế nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình ở các xã miền núi khó khăn. Vì HTX giúp tập hợp những cá thể cùng tham gia vào hoạt động kinh tế, để được đảm bảo về quyền và lợi ích cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hộ dân có tâm lý e ngại vào THT, HTX nên không mặn mà góp vốn để trở thành thành viên hay chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể sang THT, HTX.
Điển hình như hộ ông Hà Châu Ánh ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Với trang trại rộng 40ha, gia đình ông Ánh đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động. Từ lực lượng lao động này cộng với điều kiện vật chất hiện có như máy nông cụ, chuồng trại…, hộ ông Ánh có thể chuyển sang mô hình THT. Nhưng theo ông Ánh, ông hiểu rất rõ thời kỳ ra đồng theo kẻng hiệu, người lao động làm việc với tư tưởng ỷ lại, hiệu suất thấp, giá trị kinh tế không cao nên ông không mặn mà với mô hình THT, HTX. Ông cũng đã tiếp cận với các mô hình HTX, THT kiểu mới nhưng những đơn vị này không tương đồng với mô hình kinh tế của gia đình ông. Hơn nữa, ông chưa thấy THT, HTX nào trên địa bàn hoạt động thực sự hiệu quả. Cùng suy nghĩ như ông Ánh nên nhiều hộ dân có diện tích sản xuất lớn ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân cũng không mặn mà với mô hình THT, HTX.
Để tạo lòng tin cho người dân miền núi, việc đẩy mạnh tuyên truyền mô hình HTX kiểu mới cần được coi trọng. Tuy nhiên, không thể tuyên truyền suông mà cần phải xây dựng thành công các HTX, THT hoạt động hiệu quả tại chính các huyện miền núi. Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Công tác xây dựng các THT, HTX tại các xã, huyện miền núi, đặc biệt là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có ý nghĩa không chỉ trong xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, củng cố lòng tin. Vì vậy, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng các địa phương củng cố hoạt động cho các HTX đang tồn tại theo hướng phát huy thế mạnh hiện có của từng huyện. Bên cạnh đó, các bên liên quan cũng sẽ thành lập mới các HTX, THT theo tiêu chí 13 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân rộng để thúc đẩy phong trào kinh tế tập thể phát triển mạnh trong nhân dân.
BẠCH VÂN